Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Du lịch

Bảo tồn văn hoá để xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thế Lượng- Ngọc Ánh - 19:43, 16/10/2023

Là Chủ nhiệm HTX bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị San, dân tộc Tày ở bản Nà Khương luôn tích cực, tâm huyết gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hoá truyền thống. Bà cũng là nghệ nhân tích cực cùng chính quyền địa phương và bà con người Tày phấn đấu xây dựng xã Nghĩa Đô trở thành xã nông thôn mới nâng cao của huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Bà Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị San gìn giữ nghề dệt truyền thống của người Tày Nghĩa Đô
Bà Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị San gìn giữ nghề dệt truyền thống của người Tày Nghĩa Đô

Biến văn hóa thành sản phẩm du lịch

Là người con của mảnh đất Nghĩa Đô giàu truyền thống văn hóa, bà Nguyễn Thị San (SN 1961), được nuôi dưỡng bởi suối nguồn ngọt ngào của những điệu hát then, hát cọi và những món ẩm thực đậm đà dư vị quê hương. Bởi vậy, bà đã tích luỹ, bồi đắp và sáng tạo thêm những giá trị văn hóa của dân tộc để “kho báu” di sản văn hóa ngày càng phong phú, đầy lên theo năm tháng.

Năm 2021, UBND xã Nghĩa Đô quyết định thành lập HTX bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc Tày, bà San được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Với sự dày dạn về kinh nghiệm, vốn sống, bà San đã tích cực vận động bà con trong bản, trong xã phục dựng, sưu tầm các giá trị văn hóa cổ. Bà cũng trực tiếp truyền dạy kinh nghiệm làm nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để tạo ra sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch và bán ra thị trường.

Bà San cho biết, hiện tại, HTX có 20 thành viên đều là người Tày, trong đó 11 thành viên thành thạo đan lát và dệt thổ cẩm. Số còn lại đang tiếp tục được truyền dạy để làm nghề thuần thục hơn. Đan lát là nghề truyền thống của người Tày xã Nghĩa Đô. Địa phương có sẵn những rừng tre nứa nên bà con không phải mất tiền mua nguyên liệu. Qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ đã tạo nên những sản phẩm giỏ tre, rổ, rá, các sản phẩm lưu niệm du lịch thân thiện với môi trường. HTX cũng đã tổ chức khôi phục nghề đan nón lá cọ, sợi khương truyền thống.

Bà San gìn giữ nghề đan lát của dân tộc Tày để tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ
Bà San gìn giữ nghề đan lát của dân tộc Tày để tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ

Bên cạnh đó, dệt thổ cẩm cũng là nghề truyền thống nổi tiếng của phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô. Nhiều năm qua, bà San và các thành viên trong HTX đã miệt mài lưu giữ, truyền dạy và trực tiếp dệt nên những tấm chăm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo. Để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm, bà cùng các thành viên trong HTX đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng và tăng lượng đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, những mặt hàng làm ra đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của các khách hàng khó tính.

Bên cạnh đó, HTX đang triển khai nghề trồng dâu nuôi tằm. Trong tương lai sẽ phục dựng và bảo tồn nghề ươm tơ dệt vải từ tơ tằm, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm từ chất liệu tơ tằm…

Ẩm thực của đồng bào Tày Nghĩa Đô phục vụ khách du lịch
Ẩm thực của đồng bào Tày Nghĩa Đô phục vụ khách du lịch

Cùng với việc gìn giữ và truyền dạy nghề truyền thống, bà Chủ nhiệm San còn bảo tồn văn hoá ẩm thực Nghĩa Đô theo cách của mình. Đó là trực tiếp chế biến và hướng dẫn con cháu, người dân trong bản làm các món ăn bản địa để phục vụ khách du lịch như: Vịt bầu lam ống nứa, cá suối, xôi ngũ sắc, rau dớn nộm, măng luộc, thịt trâu nộm, nem măng chả cuốn lá dổi, cá gói lá vả hấp… Mỗi khi chế biến, bà dồn cả tâm huyết, sự khéo léo và thảo thơm mến khách vào mâm cơm, khiến du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi…

Chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao

Nghĩa Đô là một trong những địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2016. Năm 2021, Nghĩa Đô được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Mới đây, xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn là 1 trong 12 mô hình của cả nước về thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Để chung tay cùng chính quyền và bà con ở địa phương phát triển du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, bà San cùng gia đình bắt tay vào cải tạo cảnh quan, bài trí không gian ngôi nhà sàn của gia đình thành Homestay phục vụ du khách khi đến khám phá phong cảnh, văn hóa của Nghĩa Đô.

Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô nhìn từ trên cao
Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô nhìn từ trên cao

Ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái lá cọ thoáng mát của gia đình bà San tại bản Nà Khương được xã đánh số 3. Nhà tựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng, phía trước có ao nước thoáng đãng. Trên sàn nhà, bà San thiết kế không gian nghỉ chân cho du khách bằng những tấm đệm êm của người Tày. Dưới gầm sàn là không gian trưng bày những sản phẩm văn hoá truyền thống của người Tày để du khách chiêm ngưỡng và khám phá. Cạnh ao cá có một chòi để thư giãn uống trà, thưởng thức những món ăn truyền thống. Xung quanh ngôi nhà sàn truyền thống là một cảnh quan yên tĩnh, thanh bình với cỏ cây hoa lá hòa cùng tiếng nước suối chảy róc rách.

Đồng bào Tày sửa sang lại cảnh quan để làm du lịch cộng đồng, đồng thời xây dựng nông thôn mới nâng cao
Đồng bào Tày sửa sang lại cảnh quan để làm du lịch cộng đồng, đồng thời xây dựng nông thôn mới nâng cao

Hiện nay, Nghĩa Đô đang được huyện Bảo Yên phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam quy hoạch kiến trúc để xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày. Để làm phong phú thêm di sản văn hóa dân tộc, bà San đã tích cực cùng địa phương tham gia phục dựng các lễ hội, nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian của đồng bào Tày tại địa phương. Bà cũng sưu tầm, lưu giữ được 119 bài hát hát then, hát cọi cổ truyền. Nhiều năm qua, bà đã miệt mài, tích cực truyền dạy những điệu hát then, hát cọi cho lớp trẻ để vừa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, phấn đấu cùng chính quyền và bà con xây dựng Nghĩa Đô đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào thời gian gần nhất. 

Nghĩa Đô vẫn còn giữ nhiều nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày
Nghĩa Đô vẫn còn giữ nhiều nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày
Tin cùng chuyên mục
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024: Sẽ có điểm nhấn ấn tượng so với các kỳ trước

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024: Sẽ có điểm nhấn ấn tượng so với các kỳ trước

Kế hoạch tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái ký ban hành, yêu cầu phải có sự đổi mới, sáng tạo, phong phú, linh hoạt, nhằm tạo sự khác biệt, hiệu quả, có điểm nhấn ấn tượng so với các kỳ Festival trước. Đồng thời, để lại những công trình sử dụng lâu dài sau khi Lễ hội kết thúc.