Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghề vẽ sáp ong của người Mông ở Yên Bái

Trọng Bảo - 10:36, 22/12/2023

Với những độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải, sự nỗ lực trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong đời sống của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), nghệ thuật vẽ sáp ong đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để nét văn hóa truyền thống đặc sắc này luôn hiện diện trong đời sống Nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với đồng bào Mông- những chủ nhân sở hữu di sản đang có nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn gắn với phát triển du lịch.

Phụ nữ Mông thường ngồi bên bếp lửa giữ sáp ong được đủ nhiệt độ để vẽ
Phụ nữ Mông thường ngồi bên bếp lửa giữ sáp ong được đủ nhiệt độ để vẽ

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, là di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Chị em phụ nữ Mông sử dụng bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh để vẽ các hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó, ghép lại thành các chi tiết, bộ phận như vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo… rồi khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Chị Lý Thị Ninh, nghệ nhân đang làm việc tại Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện vùng cao Mù Cang Chải cho biết: Để có thể thực hiện nghệ thuật này, điều đầu tiên cần có, đó là sáp ong nấu chảy làm "mực vẽ". Muốn có được loại “mực vẽ” này, chị em phụ nữ cho sáp vào chảo gang nhỏ, đun nhỏ lửa sáp chảy ra tới khoảng 50 đến 60 độ C là có thể sử dụng được. Một vật liệu nữa không thể thiếu đó là vải; loại vải được sử dụng thường là loại vải lanh trắng. Khi vẽ, dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng rồi vẽ lên nền vải mộc; cái khó ở đây đó là người vẽ phải cân đối để lượng sáp chảy đều, không bị loang nét vẽ…

Điều đặc biệt thể hiện sự tài hoa của người vẽ, đó là họ không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn với nhiều mô típ khác nhau với đường ngang, viền đậm, dài hoặc gãy góc tạo ra các khối hình vuông, hình chữ nhật… cùng những mảng màu tối, sáng, nóng, lạnh... sao cho phù hợp. 

Sau khi vẽ xong, tấm vải được đem đi nhuộm, luộc trong nước sôi. Khi luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và giữ lại trên vải những phần hoa văn mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo, nghệ thuật.

Người vẽ không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn trên vải
Người vẽ không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn trên vải

“Mình được mẹ truyền dạy cách vẽ sáp ong từ khi mới lên 5 tuổi. Người Mông quan niệm, hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt giúp kết nối với thần linh, thể hiện cá tính, ước vọng của con người về cuộc sống. Để có một bộ váy áo truyền thống đẹp thì người Mông mình phải làm nhiều công đoạn như se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm... Trong đó, khó nhất và mất nhiều công vẫn là lúc dùng sáp ong để tạo hoa văn trên vải”, chị Lý Thị Ninh chia sẻ.

Cũng theo chị Ninh, đã là phụ nữ Mông thì hầu như ai cũng biết vẽ sáp ong; công việc này được các chị các mẹ truyền dạy cho con em mình ngay từ nhỏ. Việc vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải trước tiên là phục vụ về váy áo cho chính bản thân mình, rồi dùng để biếu, tặng… Giờ đây còn có thể làm hàng hóa mang đi bán để cải thiện thu nhập cho gia đình.

Với chủ trương xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025 theo phương châm “Xanh, hài hòa, bản sắc, an toàn, thân thiện”, thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc; trong đó, có nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của dân tộc Mông.

“Chúng tôi phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link (Hà Nội); thông qua hợp tác này, chúng tôi thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải đến đông đảo công chúng Thủ đô và du khách quốc tế. Qua đó, góp phần quảng bá cũng như thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm tại địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân trong việc kinh doanh các dịch vụ du lịch”, ông Trịnh Thế Bình, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết thêm.

Vẽ sáp ong trên vải là công đoạn khó nhất để có được một bộ váy áo truyền thống đẹp
Vẽ sáp ong trên vải là công đoạn khó nhất để có được một bộ váy áo truyền thống đẹp

Được biết, trong định hướng phát triển của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch, là một trong những nhiệm vụ, hướng phát triển trọng tâm. 

Với định hướng này, đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương “biến di sản thành tài sản”; góp phần bồi đắp thêm niềm tự hào của đồng bào các dân tộc với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn, quảng bá và khai thác giá trị văn hóa; thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao thu nhập từng bước xóa đói giảm nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.