Công tác bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS ở Đồng Nai những năm qua luôn được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Nhiều đơn vị, cá nhân tham gia
Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS. Trong đó, có xây dựng kế hoạch tổ chức lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc Chăm, Khmer; hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện để các cơ sở Hoa ngữ ở địa phương hoạt động; phát sóng chương trình truyền hình dân tộc - tiếng Hoa, tiếng Chơ ro và bản tin tiếng Hoa trên Đài PT-TH Đồng Nai.
“Ban Dân tộc mong muốn Người có uy tín ở các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS. Trong đó, tuyên truyền để các cá nhân cùng tham gia lưu giữ tiếng nói, chữ viết; các gia đình hiến, tặng các hiện vật của đồng bào DTTS để trưng bày tại nhà văn hóa… Tuyên truyền để bà con hiểu rằng, họ vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là người thụ hưởng, vừa là người giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt nhất”.
Ông Nguyễn Văn KhangTrưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Thư viện tỉnh thực hiện bổ sung các tài liệu tác phẩm văn học dân tộc; tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển văn hóa, vùng miền các dân tộc; từ điển tra cứu ngôn ngữ các dân tộc. Ngoài ra, Thư viện tỉnh thường xuyên bổ sung và luân chuyển sách, báo, tạp chí về vùng đồng bào DTTS, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của bà con.
Để lưu truyền tiếng mẹ đẻ cho con cháu, nhiều người dân vùng đồng bào DTTS tự mở các lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho con em dân tộc mình ở các cơ cở Hoa văn hay các trường song ngữ Việt - Hoa. Một số cá nhân đã xây dựng bộ chữ viết dân tộc như: Ông Đô Hô Sên, ông Mohamad Amin dạy chữ Chăm tại Thánh đường Hồi giáo Chăm (xã Bình Sơn, huyện Long Thành); anh Điểu Tám mở lớp dạy chữ viết của người Chơ ro ở ấp Tín Nghĩa (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất); anh Điểu Bình (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) sưu tầm ngôn ngữ của người Chơ ro giới thiệu trên trang Facebook cá nhân…
Mặc dù không trực tiếp dạy chữ Chơ ro, song anh Điểu Bình (ngụ tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán) đã thành lập Facebook Pa lây Jro để lưu giữ văn hóa và ngôn ngữ của đồng bào. Trên trang cá nhân, anh thường xuyên sưu tầm ngôn ngữ của người Chơ ro, đối sánh với ngôn ngữ tiếng Việt và giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng.
Anh Bình bộc bạch: “Người Chơ ro hiện nay giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Việt. Chỉ khi ở nhà bà con mới nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của dân tộc. Bằng cách giới thiệu đối sánh ngôn ngữ Chơ ro - tiếng Việt qua mạng xã hội, tôi hy vọng con em đồng bào sẽ nâng cao vốn tiếng của dân tộc mình”.
Cần có đề án khôi phục…
Nói về bảo tồn chữ viết và văn hóa dân tộc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thống Nhất Nguyễn Đức Cường chia sẻ: “Hiện nay ở xã Xuân Thiện có anh Điểu Tám (người Chơ ro) đang mở lớp dạy chữ của đồng bào cho các em học sinh. Việc làm này xuất phát từ ý thức bảo tồn tiếng nói, chữ viết của anh Tám chứ chưa hình thành hệ thống. Tôi cho rằng, cần phải có đề án khôi phục lại tiếng nói, chữ viết cho bà con, nhất là những dân tộc địa phương ở Đồng Nai; đa dạng hóa hình thức sử dụng tiếng dân tộc, nhất là hình thức tuyên truyền tiếng dân tộc qua các phương tiện thông tin”.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, Đồng Nai là tỉnh có đa dân tộc sinh sống, tạo nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa. Từ năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã có kế hoạch nghiên cứu Latinh hóa chữ viết của đồng bào các DTTS. Một mặt để bảo tồn chữ viết, mặt khác để lưu giữ, truyền lại văn hóa, bản sắc của đồng bào cho thế hệ trẻ hôm nay. Hiện một số đồng bào DTTS trên địa bàn Đồng Nai có tiếng nói, nhưng không có chữ viết, như: Đồng bào Chơ ro, đồng bào Chăm…
“Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có kế hoạch phối hợp với các nhà khoa học, nhà văn hóa tiến hành nghiên cứu, Latinh hóa chữ viết của các dân tộc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện đăng ký “đề tài” này với UBND tỉnh để thực hiện, cụ thể hóa tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đồng bào hôm nay”, ông Khang nói.
Cũng theo ông Khang, ngoài tiếng nói, chữ viết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Tại các nhà văn hóa dân tộc hiện đã xây dựng nhưng trong các nhà truyền thống chưa có nhiều hiện vật để trưng bày. Rất nhiều hiện vật còn nằm rải rác trong gia đình các dân tộc. Do đó, rất cần sự chung tay của bà con cùng chính quyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.