Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc huyện Chi Lăng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch (Bài 3)

Văn Hoa - 15:10, 31/08/2023

Cùng với việc tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, khôi phục lại nhiều nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, huyện Chi Lăng còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ Nhân dân phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo nguồn thu cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Di tích lịch sử Chi Lăng - Nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương (Ảnh: TL)
Di tích lịch sử Chi Lăng - Nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương (Ảnh: TL)

Tiềm năng phát triển du lịch

Theo thống kê, huyện Chi Lăng có gần 120 điểm di tích lịch sử, di tích khảo cổ và danh thắng, trong đó có 52 điểm di tích thuộc quần thể di tích lịch sử Chi Lăng, đã được xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962. Nhắc đến địa danh Chi Lăng, Nhân dân Việt Nam đều biết đến, đây là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, với một vị trí đặc biệt quan trọng, - cửa ngõ chính ở phía Bắc Tổ quốc, là "yết hầu" của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc, góp vào những chiến công chói lọi của lịch sử dân tộc…

Hiện nay, tiềm năng để khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Chi lăng là rất lớn. Tiêu biểu phải kể đến du lịch lịch sử văn hóa tại quần thể Di tích lịch sử Chi Lăng với 52 điểm di tích, trong đó có 24 điểm được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2011. 

Các điểm khai thác du lịch tâm linh là hệ thống đền, đình, chùa: Đình - Chùa Làng Trung, Đền Chầu Năm, Đền Quỷ Môn quan, Đền Chầu Bát, Miếu Cô Chín, Đền Chầu Mười, Đền Trần, Đền Cấm, Đình Làng Mỏ…

Du lịch lễ hội truyền thống, gồm: Lễ hội Đền Trần xã Nhân Lý (mùng 06 tháng Giêng); Lễ hội Đình Làng Mỏ (mùng 07 tháng Giêng), Lễ hội thị trấn Đồng Mỏ (mùng 10 tháng Giêng), Lễ hội Đền Chầu Mười (Mỏ Ba xã Hòa Bình - ngày 11 tháng Giêng), Lễ hội Chùa Làng Trung (ngày 15 tháng 3 Âm lịch); Lễ hội Háng Ví xã Chiến Thắng (ngày 20 tháng Giêng).

Bên cạnh đó, còn có các Ngày hội của địa phương, gồm: Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Chi Lăng (ngày 20 tháng Giêng); Lễ hội truyền thống xã Vân Thủy (ngày 23 tháng Giêng); Ngày hội truyền thống xã Vạn Linh (Ngày 02/02 Âm lịch); Hội trại gắn với tổ chức các hoạt động Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc tại xã Bằng Mạc, Bằng Hữu; Ngày hội chiến thắng Chi Lăng (vào ngày 10/10 hằng năm) và Ngày hội Na Chi Lăng (vào tháng 8 dương lịch hằng năm). Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Chi Lăng đến mọi miền đất nước.

Đặc biệt, Chi Lăng còn được biết đến là địa phương giàu bản sắc văn hóa các DTTS, từ phong tục tập quán, trang phục, nhà ở truyền thống, các làn điệu dân ca (hát Sli, hát Lượn, hát then…) làm say đắm lòng người…


Những làn điệu dân ca say đắm lòng người của đồng bào các dân tộc huyện Chi Lăng nếu được khai thác tốt sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo
Những làn điệu dân ca say đắm lòng người của đồng bào các dân tộc huyện Chi Lăng nếu được khai thác tốt sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo

Thời gian qua, thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn liền với phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy hát Sli, Lượn, hát then, đàn tính và thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian. Đây cũng chính là một trong các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch khi đến với Chi Lăng.

Hiện nay, công tác giáo dục đào tạo nói chung trên địa bàn cả nước, đang chú trọng đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, thăm quan thực tế cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về cội nguồn lịch sử dân tộc, cũng là cơ hội rất tốt để huyện Chi Lăng mở rộng đối tượng du khách tham quan, trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chi Lăng lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ: “Đẩy mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện trong phát triển du lịch, dịch vụ; gắn phát triển du lịch với di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tiếp đó, ngày 3/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển Du lịch gắn với bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống huyện Chi Lăng từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, huyện Chi Lăng tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh việc khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, huyện Chi Lăng đã tập trung khai thác 2 tuyến du lịch chính: Du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh và Du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái trải nghiệm theo 2 tuyến tham quan chính.

Hiện nay, huyện Chi Lăng có rất nhiều di chỉ khảo cổ, đầy tiềm năng cho phát triển du lịch. (Trong ảnh: Đoàn khảo sát di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu. Các chuyên gia nhận định, di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu không chỉ hàm chứa các giá trị về khảo cổ học mà còn bao gồm các giá trị nghiên cứu về cổ sinh địa tầng, cổ địa chất thông qua phát hiện hóa thạch trên trần hang. Đây là một di chỉ khảo cổ “hiếm gặp” không chỉ của Lạng Sơn mà còn ở phạm vi khu vực phía Bắc Việt Nam).
Hiện nay, huyện Chi Lăng có rất nhiều di chỉ khảo cổ, đầy tiềm năng cho phát triển du lịch. (Trong ảnh: Đoàn khảo sát di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu. Các chuyên gia nhận định, đây là một di chỉ khảo cổ “hiếm gặp” không chỉ của Lạng Sơn mà còn ở phạm vi khu vực phía Bắc Việt Nam).

Tuyến tham quan số 1, Du lịch lịch sử văn hóa - tâm linh, gồm: Đền Chầu Năm (thị trấn Chi Lăng) - Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - Đền Quỷ Môn (xã Chi Lăng) - Đền Chầu Bát, Miếu Cô Chín (thị trấn Đồng Mỏ) - Đền Chầu Mười (xã Hòa Bình).

Tuyến tham quan số 2: Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái nông nghiệp trải nghiệm: Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - Lũy Ải - Đền Quỷ môn - Ải Chi Lăng - Núi Mặt Quỷ - khu vực trồng các sản phẩm nông nghiệp an toàn như Na, Bưởi (xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ)…

Đặc biệt, trong năm 2023, huyện đã quan tâm khai thác, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm vườn Na trên địa bàn và bước đầu đã có kết quả nhất định, trong đó nổi bật là tại vườn Na Lũng Than và thị trấn Đồng Mỏ.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành liên quan và người dân, những năm qua, du lịch của huyện Chi Lăng đã có nhiều khởi sắc. Trong giai đoạn 2020 - 2023, huyện Chi Lăng đón được tổng số trên 427 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa là 410 nghìn lượt; khách quốc tế là: 17 nghìn lượt. với tổng doanh thu ước đạt 72 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, huyện Chi Lăng đã đón gần 200.000 lượt khách du lịch, tăng 80.000 lượt khách so với năm 2022. Hiện nay, huyện Chi Lăng đang phấn đấu nâng tầm các sản phẩm du lịch hiện có, phấn đấu đến năm 2025, sẽ đón khoảng 8.200 lượt khách quốc tế, hơn 194.000 lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 172 tỷ đồng.

Bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Chi Lăng cho biết, hiện nay huyện Chi Lăng đang phối hợp, liên kết với Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn xây dựng tuyến du lịch số 3, gồm các huyện: Bắc Sơn - Văn Quan - Chi Lăng - TP. Lạng Sơn. Trong đó, huyện Chi Lăng có các điểm tham quan như: Đền Chầu Năm (thị trấn Chi Lăng); nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, Ải Chi Lăng, một số vườn na mẫu tại Ải Chi Lăng (xã Chi Lăng); điểm hóa thạch núi lửa (xã Quan Sơn); Hang Gió (xã Mai Sao); điểm hóa thạch Cúc Đá (xã Bắc Thủy); điểm hóa thạch kỷ Devon và xuất lộ nước (xã Thượng Cường); điểm núi đá dạng tháp (xã Gia Lộc); làng nghề Cao khô Vạn Linh và gà vàng Vạn Linh (xã Vạn Linh).

Để hoạt động khai thác các di sản văn hóa gắn với du lịch có hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, theo bà Đinh Thị Thao, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa tại cơ sở một cách khoa học và có hệ thống, thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng, trên cơ sở đó, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Khách du lịch chăm chú thăm quan các hiện vật lịch sử tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chi Lăng
Khách du lịch chăm chú thăm quan các hiện vật lịch sử tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chi Lăng

Địa phương cũng chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Di tích Quốc gia đặc biệt, trong việc giáo dục truyền thống, nghiên cứu học tập gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp giúp đồng bào bảo tồn các di sản văn hóa, bảo tồn phát huy nghề và làng nghề truyền thống, các loại hình ngữ văn dân gian và văn học nghệ thuật truyền thống, giữ gìn sắc phục của dân tộc, khuyến khích mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày lễ, Tết…

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.