Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn bền vững di sản văn hóa các DTTS vùng Trường Sơn - Tây Nguyên: Liên kết để giữ gìn, phát huy di sản (Bài cuối)

Tấn Vịnh (Trường ĐH Đông Á) - 11:45, 09/10/2022

Di sản văn hóa của các DTTS ở miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung rất phong phú, đa dạng, là tài nguyên nhân văn vô cùng quý báu. Với xu thế giao lưu, hội nhập và hợp tác, các tỉnh, thành phố cần chủ động mở rộng sự liên kết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa của đồng bào DTTS nói riêng.

Đoàn nghệ nhân, diễn viên các DTTS tỉnh Quảng Nam tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, năm 2022
Đoàn nghệ nhân, diễn viên các DTTS tỉnh Quảng Nam tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, năm 2022 (Ảnh Tuấn Ninh)

Từ đặc điểm tự nhiên, xã hội và địa bàn cư trú của các DTTS ở miền núi, đối tác để liên kết khu vực trước tiên là các tỉnh, thành lân cận ở vùng miền Trung - Tây Nguyên và liên kết quốc tế với nước bạn Lào láng giềng, anh em. Liên kết với các tỉnh, thành kề cận sẽ mở ra một hành lang rộng rãi để các địa phương kết nối, hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch.

Các tỉnh láng giềng thuộc địa bàn bắc Tây Nguyên, miền núi phía tây các tỉnh duyên hải miền Trung đều có một vài thành phần DTTS giống nhau. Họ có chung nền văn hóa và quan hệ thân tộc, đồng tộc gắn bó như người Xơ Đăng ở sườn Tây Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và sườn Đông thuộc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) hay dân tộc Gié Triêng ở huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), huyện Phước Sơn, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), hoặc người Cor ở các huyện Tây Trà, Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) với người Cor ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam)...

Mỗi cư dân, dân tộc (nhóm dân tộc địa phương) ở mỗi tỉnh láng giềng đều có những thế mạnh, nét đặc sắc văn hóa như lễ hội, kiến trúc, diễn xướng, nghề truyền thống... Chẳng hạn, một số di sản văn hóa của dân tộc Cor ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi được bà con gìn giữ, bảo lưu tốt hơn như nghệ thuật đấu chiêng, trang trí trên cây nêu, bộ gu, lễ hội truyền thống...

Trong các sự kiện giao lưu văn hóa, lễ hội quy mô cấp tỉnh, khu vực do tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức, các Đoàn nghệ nhân dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên được mời đến tham gia, giao lưu. Ví dụ như Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Cor của huyện Bắc Trà My tổ chức vào năm 2013 tại xã Trà Kót; Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2014; Lễ hội phục dựng cây nêu toàn quốc, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức tại huyện Tây Giang năm 2018.

 Nhà rông của dân tộc Xơ Đăng (Ảnh Tấn Vịnh)
Nhà rông của dân tộc Xơ Đăng (Ảnh Tấn Vịnh)

Hay nói về kiến trúc nhà rông, trong khi dân tộc Xơ Đăng phía Kon Tum hầu như làng nào cũng có nhà rông thì ngược lại, ở Quảng Nam, loại hình kiến trúc này gần như không còn tồn tại trong cộng đồng người Xơ Đăng. Đáng chú ý, đồng bào các DTTS tại các tỉnh duyên hải miền Trung đều có một số loại hình di sản tương đồng nhau, như nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam), dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế), dân tộc Hrê (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó gợi mở cho các ngành chức năng, các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về hoạt động giao lưu, trao đổi, học hỏi những mô hình, cách làm hay, tích cực, sáng tạo của các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Các tỉnh cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau để bảo tồn và phát huy di sản của các dân tộc và cùng chia sẻ, thụ hưởng những lợi ích chung.

Một số di sản tương đồng, cùng loại hình của các dân tộc, các tỉnh cùng nhau lập hồ sơ đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế cần phối hợp tổ chức Festival Thổ cẩm, Festival Làng nghề nhằm tôn vinh nghề truyền thống, nghệ nhân và sản phẩm tinh hoa của đồng bào các DTTS ở miền núi. Festival làng nghề truyền thống được tổ chức 2 năm một lần ở Thừa Thiên Huế thu hút các nghệ nhân dệt dân tộc Hrê, Tà Ôi, Cơ Tu; Festival Lụa - Thổ cẩm tại Làng lụa Hội An tổ chức hàng năm có sự tham gia của các dân tộc cận cư và ở nhiều dân tộc đến từ các vùng miền trong nước.

Phụ nữ Cơ Tu dệt vải tại Vinpearl Nam Hội An (Ảnh Tấn Vịnh)
Phụ nữ Cơ Tu dệt vải tại Vinpearl Nam Hội An (Ảnh Tấn Vịnh)

Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu tàu của “Hành lang Kinh tế Đông - Tây” và của cả miền Trung - Tây Nguyên. Với sự thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng lưu trú, giao thông, Đà Nẵng có thể khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nhân văn của cộng đồng các dân tộc miền núi xứ Quảng để phát triển sự nghiệp văn hóa, du lịch.

Hai địa phương cùng hợp tác thực hiện dự án phục dựng, hình thành các thiết chế văn hóa đặc trưng tộc người, tái hiện các mô hình “bảo tàng sống”, làng văn hóa dân tộc với không gian, kiến trúc cổ truyền như: Nhà rông, nhà gươl, kho lúa, chòi rẫy, nhà ở, nhà mồ; khu vực canh tác, địa điểm tâm linh (nơi thờ cúng, thực hành nghi lễ); không gian làng nghề, sản xuất nương rẫy... phù hợp với địa hình, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan khu Bà Nà - Núi Chúa phía tây TP. Đà Nẵng và vùng giáp ranh thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây sẽ là một tuyến điểm tham quan, du lịch khám phá thiên nhiên, di sản văn hóa tộc người, kết hợp hài hòa giữa môi trường sinh thái và môi trường nhân văn.

Điệu múa trước nhà làng trong Lễ hội ăn than của người Gié Triêng (Ảnh Tấn Vịnh)
Điệu múa trước nhà làng trong Lễ hội ăn than của người Gié Triêng (Ảnh Tấn Vịnh)

Liên kết, hợp tác với nước bạn Lào có ý nghĩa trên nhiều phương diên, kể cả vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Trong thời gian qua, việc kết nghĩa giữa các địa phương có chung đường biên giới với Lào như Sê Kông - Quảng Nam, Salavan - Quảng Trị, Xavanakhet - Thừa Thiên - Huế được tăng cường. Các tỉnh miền Trung cần phối hợp đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng biên. Dân tộc Gié Triêng và các dân tộc thuộc nhánh Katuic (Cơ Tu, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều) ở Việt Nam và Lào có quan hệ đồng tộc, gần gũi nhau về địa bàn cư trú, ngôn ngữ, bản sắc văn hóa. Quảng Nam có kinh nghiệm tổ chức hoạt động văn hóa đối ngoại, có thể đăng cai tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Lào.

Trong thời gian tới, cần có hướng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tổ chức hội thảo khoa học, tham vấn của các chuyên gia, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Sê Kông, Champaxắc, Xalavan, Cục di sản văn hóa Lào và Cục Di sản văn hóa Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận vũ điệu tân tung da dá của người Cơ Tu Lào và người Cơ Tu Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.