Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tàng đá độc nhất trên miền đất đỏ bazan

Hoàng Thùy - 14:23, 20/03/2023

Nằm giữa trung tâm Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông Hoàng Thành (SN 1961) có hẳn một khu vườn rừng 1.000 m2 không gian xanh mát, thoáng đãng. Nơi ấy, những hóa thạch về trầm tích văn hóa - lịch sử trong lòng đất Tây Nguyên có niên đại hàng triệu năm được trưng bày khoa học, đẹp mắt. Đây có lẽ là “bảo tàng đá” độc nhất trên miền đất đỏ bazan này.

Ông Thành bên chiếc chuông đá phát ra âm thanh kỳ thú.
Ông Thành bên chiếc chuông đá phát ra âm thanh kỳ thú.

Sở dĩ gọi bộ sưu tập của ông Thành là “bảo tàng đá” bởi nơi đây đang trưng bày hơn 20.000 mẫu hóa thạch cổ sinh có niên đại hàng triệu năm. Những mẩu đá đủ mọi hình dáng từ con sò, con ốc cuộn tròn trong đá đến những bộ đàn đá, tượng đá, chiếc chuông đá khổng lồ và cả cây thông thủy tùng hóa thạch được ông bày biện đẹp mắt trong không gian vườn rừng.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vườn xanh mát, ông Thành vừa đi vừa giới thiệu các hiện vật hóa thạch. Bộ cúc đá (vỏ sò hóa thạch) gồm nhiều loài khác nhau: Cúc không gốc, cúc gốc, cúc sừng, sừng lá, sừng cuộn… được ông xếp gọn gàng, ghi chú rõ ràng để khách thuận tiện thăm thú.

Dừng lại ở chiếc chuông đá khổng lồ đặt trên hai trụ đá gần ngôi nhà dài truyền thống, cầm lấy cục đá nhỏ ông Thành gõ nhẹ lên mặt chuông, tảng đá lớn phát ra âm thanh binh boong như tiếng chuông chùa. Ông Thành bảo: Chuông đá này ông tìm thấy trong vùng núi Chư Yang Sin trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một hòn đá tự nhiên, có chiều dài 2,5 m, đường kính khoảng 60 cm, nặng 800 kg và phát ra âm thanh. Phải mất rất nhiều công sức ông mới đưa về được đến nhà đặt trên hai trụ đá ngoài trời. “Chiếc chuông đá này rất lạ. Trời càng lạnh thì tiếng chuông càng trong trẻo, vang xa, ngược lại lúc trời càng nắng, nóng thì tiếng chuông rất trầm hoặc không phát ra tiếng”, ông Thành cho biết.

Ngay phía sau chuông đá, cây thông thủy tùng hóa thạch hàng trăm triệu năm trên vùng đất Tây Nguyên với chiều dài 30 m, đường kính thân cây từ 70 - 80 cm được ông sắp xếp thành hình hài thân cây nằm, phía dưới là phần gốc. Cây thủy tùng hóa thạch này được giới nghiên cứu cổ sinh đánh giá là một trong những hiện vật quý giá để tìm hiểu lịch sử trong lòng đất Tây Nguyên. Theo ông Thành thì đây là mẫu hóa thạch ông mất nhiều thời gian, công sức nhất để sưu tầm.

Năm 2010, đoàn khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đến tận nhà ông Thành để nghiên cứu. Theo kết quả điều tra địa chất của đoàn chuyên gia, hiện vật hóa thạch của ông Thành có niên đại hàng trăm triệu năm trước. Sau đó, rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học đã đến “kho” cổ vật của ông tìm hiểu, nghiên cứu.

Cây thông thủy tùng hóa thạch có chiều dài hơn 30m tại bảo tàng của ông Thành.
Cây thông thủy tùng hóa thạch có chiều dài hơn 30 m tại bảo tàng của ông Thành

Các nhà khoa học xác định đây là những hiện vật có niên đại từ thời kỳ khủng long còn sống trên trái đất cách đây hàng trăm triệu năm. Các nhà khoa học cũng xác định hiện vật ở đây được chia thành 5 nhóm: Nhóm mẫu hóa thạch thuộc nhóm cúc đá; hóa thạch thuộc nhóm hai mảnh vỏ; hóa thạch thuộc nhóm chân bụng; hóa thạch ngành thực vật hạt trần; hóa thạch thực vật thân gỗ.

Với giá trị văn hóa, lịch sử mang tính khoa học, nhiều năm nay “bảo tàng đá” đã trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu của nhiều đoàn khách du lịch, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Những hiện vật cổ sinh hóa thạch này chính là bài học về thiên nhiên nói chung và văn hóa, lịch sử Tây Nguyên nói riêng.

Năm 2010, đoàn khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đến tận nhà ông Thành để nghiên cứu. Theo kết quả điều tra địa chất của đoàn chuyên gia, hiện vật hóa thạch của ông Thành có niên đại hàng trăm triệu năm trước.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.