Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo Lâm (Cao Bằng): Trồng sả góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc

N.Huyền - 09:55, 15/11/2020

Hiện nay, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã và đang tận dụng diện tích đất cằn cỗi, đồi núi để trồng sả. Đây là loại cây dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, phù hợp với đất dốc, khô cằn. Khâu trồng, chăm sóc đơn giản, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, không cần bón phân, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ 3 tháng và được khai thác từ 5 -7 năm.

Bà con nông dân xóm Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm thu hoạch sả.
Bà con nông dân xóm Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm thu hoạch sả.

Nam Cao là xã ĐBKK của huyện Bảo Lâm, địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong những năm qua, để tìm hướng thoát nghèo cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới, nhưng chưa đem lại hiệu quả.

Cuối năm 2018, một số người dân xóm Nà Mon đưa cây sả Java về trồng với mục đích chưng cất lấy tinh dầu. Ban đầu có 10 hộ thực hiện mô hình trồng 5ha, sau 3 tháng, cây sả Java sinh trưởng tốt và cho thu hoạch. Chi tính riêng đợt đầu thu hoạch 15 tấn lá sả, chưng cất được hơn 150kg tinh dầu, đem lại thu nhập hơn 75 triệu đồng.

Anh Triệu Văn Hòn, Trưởng xóm Nà Mon, một trong những người tiên phong đưa cây sả Java về trồng thử nghiệm chia sẻ: Xóm Nà Mon có gần 150 hộ dân, 98% là dân tộc Sán Chỉ. Diện tích đất canh tác của người dân chủ yếu là đồi dốc nên đa số chỉ trồng ngô, thu nhập thấp. Năm 2018, sau chuyến đi thăm quan mô hình trồng sả Java lấy tinh dầu của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), tôi thấy hiệu quả nên đem về trồng thử. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong xóm đã chuyển đổi sang trồng sả cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác.

Anh Triệu Văn Hòn cho biết thêm: Gia đình anh chuyển đổi gần 1ha đất đồi dốc sang trồng sả và góp vốn với các gia đình khác trong xóm đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng lò chưng cất tinh dầu. Sau 3 tháng, cây sả phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch lượt lá sả đầu tiên để chưng cất, tách tinh dầu. Đến nay, gần 1ha sả của gia đình cho thu hoạch đều, năm 2019 thu hoạch 6 lượt lá để chưng cất tinh dầu, đạt thu nhập hơn 60 triệu đồng. Thấy hiệu quả, nhiều hộ trong xóm đã triển khai học tập và triển khai trồng trung bình 3.000 - 8.000 m2/hộ.

Lò chưng cất tinh dầu sả được bà con xóm Nà Mon đầu tư xây dựng.
Lò chưng cất tinh dầu sả được bà con xóm Nà Mon đầu tư xây dựng.

Chị Lý Thị Poi, dân tộc Sán Chỉ, xóm Nà Mon tâm sự: Trước đây, gia đình chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng ngô rẫy. Từ năm 2018, thấy một số hộ dân trong xóm trồng sả Java hiệu quả nên chị cũng trồng thử. "Hiện nay tôi trồng khoảng 1,2 ha, vụ vừa qua thu hơn 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Nhờ đó, cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều, có thêm thu nhập để nuôi con ăn học".

Qua tìm hiểu được biết, toàn xã Nam Cao có khoảng 50 hộ trồng hơn 36ha sả. Bên cạnh đó, người dân còn tự góp vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu. Năm 2019, cả xã bán ra thị trường hơn 1.000kg tinh dầu, thu về trên 500 triệu đồng, hộ nhiều nhất đạt thu nhập trên 60 triệu đồng, các hộ khác thu nhập trung bình từ 25-35 triệu đồng.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, mô hình trồng sả Java lấy tinh dầu của người dân xóm Nà Mon đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng truyền thống. Nhận thấy cây sả Java phù hợp với đặc điểm khí hậu của địa phương, đem lại thu nhập cao cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Nam Cao tích cực vận động Nhân dân mở rộng diện tích; và xác định đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.

Tinh dầu sả chiết xuất có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tinh dầu sả chiết xuất có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Ban Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết: Mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, phù hợp với chủ trương của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đầu năm 2020, huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ trên 400 triệu đồng cho 2 xã Nam Cao, Nam Quang mua giống sả, mỗi xã trồng thêm 20ha sả Java để lấy lá chưng cất tinh dầu.

Thời gian tới, huyện  sẽ tiếp tục  hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Sả Java cho thu hoạch tốt từ năm thứ 2 trở lên. Một năm cho thu hoạch 6 lứa sả, mỗi lứa cách nhau khoảng 40-50 ngày nên tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm. Trung bình một nồi chưng cất 1 tấn lá trong khoảng 4-6 giờ thu được 10-12kg tinh dầu. Ngoài ra, lá sả sau khi đã tách tinh dầu được bà con dùng đun thay củi và dùng làm phân hữu cơ bón ngô, lúa, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.