Trước năm 2012, bản cũ Kẻo Nam cách trung tâm xã Bắc Lý khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe máy. Mặc dù xa xôi, cách trở nhưng Kẻo Nam được biết đến là bản trù phú bậc nhất của xã Bắc Lý.
Ông Lương Phò Bích, Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam nhớ lại: Lúc còn ở bản cũ, đời sống của bà con khá sung túc, gia đình nào cũng có của ăn, của để, có nhà sàn kiên cố cùng với đó là các phương tiện, dụng cụ đắt tiền như xe máy, ti vi…
“Về sản xuất thì nhà nào cũng có trâu bò, có gia đình đàn trâu bò có đến vài chục con. Khó khăn duy nhất là nguồn nước sinh hoạt thường xuyên bị thiếu”, ông Bích cho biết.
Cuối năm 2012, để kéo bản Kẻo Nam gần hơn với trung tâm xã, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND huyện Kỳ Sơn đã thực hiện di dời 60 hộ đồng bào Khơ Mú ở Kẻo Nam về vị trí mới. Bản Kẻo Nam mới được chuyển về cách trung tâm xã khoảng 20km, có điều kiện thuận lợi hơn về giao thông cũng như các hạ tầng thiết yếu khác.
Tuy nhiên, theo Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam, ông Lương Phò Bích, khi chuyển về bản mới, người dân đối diện với nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất. Đáng bàn hơn, do không nắm rõ chính sách, cứ nghĩ về nơi ở mới sẽ được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà cửa, hỗ trợ sản xuất nên khi di chuyển, nhiều gia đình đã bán hết nhà cửa, trâu bò, lợn, gà… Chính vì vậy, khi chuyển về bản mới, nhiều hộ gần như không còn gì.
“Tính chung cả bản giờ cũng chỉ có khoảng mươi con trâu bò, xe máy cũng chỉ còn 4, 5 chiếc nhưng cũng chỉ còn bộ khung chứ không còn nguyên vẹn”, ông Bích thở dài nói.
Vậy thì số tiền bán nhà cửa, trâu, bò, gà, vịt,… của bà con đi đâu? Trả lời câu hỏi này, Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam thở dài cho biết: Sau khi bà con chuyển về nơi ở mới, biết bà con có tiền bán nhà, nhiều đối tượng xấu đã lôi kéo, đưa nhiều người trong bản dính vào tệ nạn ma túy. Nếu như ở bản cũ không có người nào dính vào “cái chết trắng” thì hiện ở bản mới, Kẻo Nam đã có 13 người nghiện ma túy.
“Ngoài ra, thiếu đất sản xuất nên đàn ông, thanh niên trong làng kéo nhau vào Quảng Nam làm vàng sa khoáng, trong bản giờ phần lớn chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ nhỏ. Những người đi làm ăn xa mỗi lần trở về quê cái được chẳng thấy đâu nhưng cái mất thì rất lớn, đó là tỷ lệ người nghiện tăng thêm”, ông Bích thở dài nói.
Ma túy đã đẩy cuộc sống của nhiều gia đình vào ngõ cụt. Chị Cụt Mẹ En (sinh năm1980) tâm sự: Trước đây gia đình em cũng là hộ dân thuộc diện khấm khá ở bản Kẻo Nam với đàn trâu bò cả dăm bảy con. Vậy mà khi chuyển về đây cuộc sống không còn gì nữa.
Nguyên nhân cũng chỉ vì sau khi bán nhà chuyển xuống bản mới, chồng chị En, anh Cụt Phò En (sinh năm 1984) nghiện ma túy, tiêu hết tiền bán nhà rồi bán luôn xe và trâu bò. Giờ đây chỉ mình chị En đi rẫy làm lúa nuôi mấy đứa con
Ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý trăn trở cho biết: Hiện 60 hộ ở Kẻo Nam đều thuộc diện nghèo đói và thường xuyên phải hỗ trợ gạo hằng năm. Bên cạnh đó việc tạo sinh kế cho nhân dân gặp không ít trở ngại do địa hình đường sá đi lại khó khăn, cùng với đó là phong tục sản xuất của bà con chưa bắt nhịp được với sự phát triển xã hội.
Trước thực tế ở Kẻo Nam, thiết nghĩ chính quyền các cấp huyện Kỳ Sơn cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Bởi nếu để tình trạng “bản mới nát hơn bản cũ” kéo dài. Thì không chỉ cuộc sống của người dân Kẻo Nam không có lối thoát mà làm sai lệch nhận thức của người dân về chủ trương di dời, tái định cư của Nhà nước.
MINH THỨ