Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo đảm sự sinh tồn của ngôn ngữ DTTS trong thời hội nhập

Hồng Phúc - 12:11, 23/02/2021

Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng để làm nên bản sắc văn hoá cho từng dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập, giao thoa, việc bảo tồn ngôn ngữ của từng dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng...

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn có nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc và có một hệ thống chữ viết độc đáo
Đồng bào dân tộc Pà Thẻn có nền văn hóa giàu bản sắc và có một hệ thống chữ viết độc đáo (Ảnh TL)

Bức tranh đa màu sắc

Nói đến người Pà Thẻn, người ta hay nghĩ đến nghi lễ nhảy lửa độc đáo, nhưng không mấy người biết rằng, đồng bào Pà Thẻn còn có một hệ thống chữ viết độc đáo. Chữ viết của người Pà Thẻn là chữ viết tượng hình, biểu thị một sự vật hay hiện tượng hầu hết có trong đời sống hàng ngày như gốc đa, thùng nhuộm vải, bếp lửa, ruộng bậc thang;…

Cũng tương tự câu chuyện ngôn ngữ của người Pà Thẻn, ngôn ngữ của các dân tộc khác đều thể hiện tư duy, tích tụ lưu giữ quá khứ lịch sử truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hoá và chứng minh sự tồn tại của họ.

Việt Nam là quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa ngôn ngữ, chữ viết. Với 54 dân tộc và tương ứng là 54 ngôn ngữ chính danh, các ngôn ngữ ở Việt Nam được khẳng định về vị thế và chức năng bằng pháp luật.

Trong các DTTS ở nước ta, nhiều dân tộc đã có chữ viết, thậm chí một số dân tộc có nhiều hơn một hệ thống chữ viết. Một số hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm. Đó là các hệ chữ viết của các dân tộc Khmer, Thái, Chăm, Tày, Nùng, Dao... Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khmer dựa trên tự dạng Sanskrit.

Ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Không những vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào DTTS còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0 phủ sóng rộng rãi trên các lĩnh vực, thì việc bảo tồn ngôn ngữ DTTS đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức, bởi nhiều yếu tố môi trường không còn phù hợp khiến văn hóa truyền thống bị biến đổi.

Trong xu thế hội nhập về văn hóa, môi trường sử dụng ngôn ngữ của người DTTS cũng đã có những thay đổi nhanh chóng. Tiếng Việt cũng như ngoại ngữ được ưa chuộng, sử dụng nhiều hơn. Thị hiếu công chúng về giải trí cũng thay đổi, những chương trình văn hoá, nghệ thuật DTTS chỉ chiếm một phần khiêm tốn so với những loại hình văn hoá mới, nên nguy cơ tiêu vong ngôn ngữ là một nỗi lo có cơ sở.

Truyền dạy ngôn ngữ DTTS cho thế hệ trẻ là việc làm vô cùng cấp thiết
Truyền dạy ngôn ngữ DTTS cho thế hệ trẻ là việc làm vô cùng cấp thiết (Ảnh TL)

Cần những giải pháp thiết thực

Nguy cơ mai một ngôn ngữ DTTS là câu chuyện chung của các dân tộc, chứ không riêng của một địa phương nào.

Hiện nay, ngôn ngữ của dân tộc đa số, có sự tác động mạnh, trở thành ngôn ngữ chính thức tại các vùng có nhiều DTTS, được sử dụng trên các phương tiện truyền thông (báo chí, Intemet, truyền hình…), tại các trường học (sách giáo khoa, tài liệu nghiên cứu) và trong các văn bản hành chính địa phương…; trong khi đó ngôn ngữ của DTTS dù được công nhận tồn tại, nhưng lại chỉ được phổ biến trong các phạm vi có giới hạn và không quá phổ biến như: làng mạc, gia đình và các buổi lễ cổ truyền…, người DTTS càng ít có cơ hội để sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.

Việc nhận biết hết các nguyên nhân là rất quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn, đó là thái độ ứng xử và hành động của chúng ta để bảo vệ ngôn ngữ DTTS trước sự mai một hiện nay. Trên thực tế, có thể thấy, nhân tố quan trọng đem lại sức sống cho các ngôn ngữ DTTS là, chúng được truyền dạy và có vai trò (được sử dụng) trong đời sống xã hội. Thế nên, cần có những biện pháp khác như: Kế hoạch hóa và xây dựng chính sách ngôn ngữ; nghiên cứu cơ bản; cải tiến và xây dựng các hệ thống chữ viết; biên soạn các sách dạy và học; xây dựng ngân hàng dữ liệu...

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 21 Luật Di sản văn hóa 2001 và nội dung này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung qua các Luật Di sản văn hóa sau này, nhưng vấn đề này cần sự quan tâm chung của cả xã hội, cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành…

Ví như, chúng ta cần phải thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc, xuất bản các sách báo, ấn phẩm bằng ngôn ngữ của đồng bào, đề xuất cần có cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn hóa nghệ thuật sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS.

Tiến sĩ Trần Thu Dung hiện sống và làm việc tại Pháp cho rằng: “Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người, là bảo vệ một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế đất nước và đánh dấu chủ quyền của đất nước”.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.