“Cõng” chính sách về thôn bản
Trong một nghiên cứu của mình, TS. Đặng Công Cường (Trường Đại học Luật – Đại học Huế) cho rằng, để hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp về quyền việc làm và các quy định của luật vào thực tiễn đời sống, Nhà nước không chỉ tổ chức thực hiện pháp luật mà còn tạo ra các chính sách để người dân tiếp cận và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp trong quan hệ LĐ. Chính sách của Nhà nước là một trong những tác động quan trọng đến bảo đảm quyền việc làm của người LĐ, tác động toàn diện đến vấn đề giải quyết việc làm.
Với đồng bào DTTS, từ đặc thù đại đa số LĐ chưa qua đào tạo nên hàng chục năm nay, Nhà nước đã ban hành và quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề. Giai đoạn 2021 - 2025, chính sách này tiếp tục được triển khai trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và một số chương trình, dự án khác. Việc đưa chính sách về với vùng đồng bào DTTS và miền núi là tâm huyết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, không quản khó khăn.
Đơn cử như Hua Huổi Luông - bản vùng cao khó khăn của xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Cả bản có 67 hộ, 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông; theo chuẩn nghèo đa chiều thì, tỷ lệ hộ nghèo của bản chiếm trên 80%. Để dạy nghề cho đồng bào, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mường Lay phải cử giáo viên, ngày hai đợt vượt quãng đường gần 15km vào tận bản, tổ chức lớp trong mấy tháng liền. Học viên là bà con dân bản, trình độ học vấn, tuổi tác không đồng đều nên khả năng tiếp thu, thực hành cũng hạn chế, đòi hỏi giảng viên phải “cầm tay chỉ việc”.
Ông Giàng A Chía, Trưởng bản Hua Huổi Luông cho biết, giao thông đi lại khó khăn nên khi có lớp học chăn nuôi tại bản người dân rất nhiệt tình tham gia. Học theo phương pháp “học đến đâu thực hành trên vật nuôi đến đó” người dân dễ hiểu, nhớ lâu và biết áp dụng thành thục. 100% hộ dân trong bản đều mong muốn tiếp tục được tham gia nhiều lớp đào tạo nghề.
Cũng như ở bản Hua Huổi Luông, những năm qua, các cấp, các ngành vùng đồng bào DTTS và miền núi đã nỗ lực “cõng” chính sách đào tạo nghề về từng thôn bản. Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc gửi Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, hiện trên 1,1 triệu người trong tổng số gần 8 triệu người DTTS (chiếm hơn 14%) trong độ tuổi LĐ đã được hỗ trợ đào tạo nghề. Đến năm 2025, Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg đặt mục tiêu có 50% LĐ người DTTS trong độ tuổi sẽ được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Quản trị việc làm thỏa đáng
Không chỉ có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề mà hệ thống chính sách do Nhà nước ban hành tập trung cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua (đất đai, giới thiệu việc làm, tín dụng ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp,…) đều góp phần tạo việc làm và mang đến những cơ hội việc làm cho LĐ người DTTS. Chỉ riêng chính sách tín dụng ưu đãi, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 2 triệu LĐ, trong đó trên 16 nghìn LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Những kết quả kiến tạo việc làm cho LĐ người DTTS thời gian qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, theo chuyên gia độc lập về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi - TS. Phạm Thái Hưng, phần lớn LĐ người DTTS hiện không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Chính vì vậy, lao động DTTS thường có việc làm trong những công việc đơn giản, có mức tiền lương thấp. Rất nhiều LĐ người DTTS có việc làm trong khu vực không chính thức, nhiều rủi ro về quyền lợi, điều kiện an toàn LĐ.
Để bảo đảm quyền việc làm cho LĐ, nhất là LĐ người DTTS, đầu năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với các đối tác ba bên tại Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ký kết “Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026”. Theo đó, Chương trình đặt ra ba ưu tiên quốc gia gồm: việc làm thỏa đáng trong chuyển đổi kinh tế; xây dựng hệ thống an sinh xã hội mang tính bao trùm và quản trị việc làm thỏa đáng.
Tại hội thảo triển khai Chương trình được tổ chức ngày 25/10/2023, ông Lưu Quang Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã luôn đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai hiệu quả Chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội. Trong chu kỳ thứ tư (2022 – 2026), mục tiêu đặt ra là đến năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và đáp ứng giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng.
Cùng với việc triển khai hiệu quả Chương trình việc làm thỏa đáng thì Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách bảo đảm việc làm cho LĐ người DTTS. Một trong những giải pháp được quan tâm là “khơi thông” dòng chảy đầu tư ngoài Nhà nước vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Bởi hiện đây là động lực quan trọng trong việc đảm bảo, thúc đẩy quyền có việc làm của LĐ người DTTS.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.