Huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam từng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước ở thời điểm năm 2003. Nhờ cây sâm Ngọc Linh, hàng ngàn hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều hộ thu tiền tỷ từ loại cây này. Tuy nhiên, có được kết quả ấy, trên hành trình thực hiện giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào Xơ Đăng, Ca Dong ở Nam Trà My, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể và lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc.., mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó, bộ mặt nông thôn ở Nam Trà My đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, đời sống của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm trồng có thể cho thu nhập từ 50 đến 70 tỷ đồng. Trong vòng gần 10 năm, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện Nam Trà My đã nâng tổng số diện tích từ 150 ha trồng sâm Ngọc Linh tăng lên hơn 1.600 ha. Diện tích trồng sâm tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2003, khi mới thành lập huyện Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trên 85% thì bây giờ tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 44, 96% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Ở những vùng trồng sâm Ngọc Linh như Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tới người dân địa phương, thì nhiều mô hình phát triển kinh tế từ thanh niên cũng được khởi xướng. Điển hình như mô hình “Thanh niên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh” tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) tạo ra việc làm ổn định cho các thành viên tham gia, đồng thời góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Anh Hồ Văn Dấu, Bí thư Đoàn xã Trà Linh cho biết, mô hình kinh tế tập thể của thanh niên trong xã đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Từ năm 2017 đến nay, mô hình “Thanh niên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh” tại xã Trà Linh của nhóm thanh niên đồng bào DTTS đã trồng hơn 1.000 gốc sâm từ một đến hàng chục tuổi tại điểm trồng sâm chung, tạo ra thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình thanh niên trẻ.
Nhiều thanh niên ban đầu khi được vận động làm kinh tế tập thể tại địa phương đã rất băn khoăn, nhưng được trợ lực từ nhiều chính sách của Đoàn xã, cùng các cấp ngành chức năng nên nhiều người đã mạnh dạn cùng chung sức phát triển kinh tế tập thể. Với hơn 1.000 gốc sâm thuộc nhiều độ tuổi, thu nhập hàng năm của các thành viên trong mô hình đạt từ 200-300 triệu/người/năm. Đây là con số không nhỏ đối với những thanh niên Ca Dong.
Điều đáng chú ý là ngoài việc tập hợp trồng sâm theo mô hình kinh tế tập thể, thì các thanh niên cũng như người dân ở Trà Linh đã biết “lấy ngắn nuôi dài” khi tận dụng thêm thời gian trồng đảng sâm nhằm tăng thu nhập, để “nuôi” sâm Ngọc Linh đến ngày thu hoạch. Ông Hồ Văn Linh, Trưởng thôn 1 cho biết, ngoài tập trung đầu tư cho sâm Ngọc Linh, người dân trong thôn trồng thêm các loại cây dược liệu, nhất là đẳng sâm để kiếm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. “Thời gian đầu chờ cho sâm Ngọc Linh phát triển, người dân chủ yếu trồng các loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, đương quy và sa nhân tím. Hiện, thôn có hơn 40 hộ dân trồng cây đẳng sâm trên quy mô lớn, mang lại thu nhập cao khi mỗi ký đẳng sâm bán với giá 150-250 nghìn đồng, tiêu biểu như hộ Hồ Văn Lợi, Hồ Văn Vườn…”, ông Linh chia sẻ.
Tương tự, tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cũng xây dựng được mô hình thanh niên làm kinh tế tập thể từ những vườn sâm. Anh A Chen (36 tuổi, Bí thư Đoàn xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) đã đi từng nhà để vận động thanh niên địa phương tham gia mô hình tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh. Mô hình đã tạo việc làm cho hàng chục thanh niên tại địa phương và cho thu nhập ổn định. Đến nay, sau gần 10 năm, Tổ hợp tác do anh làm chủ đã có 25 thành viên, sở hữu hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh cho sản phẩm củ, quả, thân lá, mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ tạo ra sản phẩm, nhiều thanh niên còn kết hợp sử dụng điện thoại thông minh, tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm để việc chào bán, đặt đơn hàng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Họ kết nối với shipper ở xa hàng trăm cây số để giao những đơn hàng dược liệu, đồng thời đảm bảo đầu ra nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Những mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững như nuôi ong lấy mật dưới tán rừng, trồng cây dược liệu; nuôi gà thả vườn; nuôi heo; nuôi dê; bò sinh sản không chỉ giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, mà đang góp phần làm giàu cho nhiều hộ gia đình đồng bào. Trên hành trình thoát nghèo bền vững ở vùng sâm trên dãy núi Ngọc Linh không thể thiếu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, chính sách dân tộc đầu tư thúc đẩy vùng đồng bào DTTS phát triển, là sự đoàn kết thống nhất và ý chí vươn lên thoát nghèo bằng đôi bàn tay chăm chỉ lao động của đồng bào.
Từ kinh tế hộ gia đình được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng được thay da đổi thịt. Bây giờ, những bản làng trên dãy Ngọc Linh nơi có loài sâm quý đã khang trang. Những mô hình tổ hợp tác, kinh tế tập thể của thanh niên ở vùng sâm đã xây dựng tinh thần đoàn kết, hộ làm ăn khá chỉ bảo cho hộ khó khăn hơn cách làm ăn để cùng nhau thoát nghèo. Ý thức tự vươn lên trong cộng đồng được hình thành và phát triển mạnh. Từ sự chia sẻ khó khăn, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng, trong dòng họ... chính là sự kết nối giữa người dân với nhau.