Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu của tình hình giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ chỉ đạo tập trung vừa thực hiện phòng, chống dịch, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khối công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội bị ảnh hưởng lớn. Mặc dù đã có nhiều Nghị quyết của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, bước đầu đạt kết quả tích cực, nhưng sản xuất ở các khu công nghiệp vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Quan điểm của Chính phủ là phục hồi sản xuất nhưng bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch bệnh. Cần có phương pháp vừa phục hồi sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh. Phục hồi thận trọng, từng bước nhưng phải quyết liệt trong tình hình hiện nay.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đã trình bày với Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19: đó là sản xuất bị đình trệ, đơn hàng bị mất; thực hiện phương án "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe người lao động; việc áp dụng các quy định khác nhau giữa các địa phương khiến việc đi lại của công nhân khó khăn, không bảo đảm đủ nhân lực cho phục hồi sản xuất; tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động vừa qua được cải thiện và đẩy nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng so yêu cầu.
Các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, kể cả cung ứng lao động; tăng cường tiêm vaccine cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nhập cảnh; tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển với điều kiện bảo đảm an toàn; tăng cường hơn nữa bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi, nhất là giữa các nhà cung ứng vật tư, nguyên liệu nằm ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; miễn, giảm các loại thuế, phí, hỗ trợ về chính sách tín dụng...
Công ty TNHH Nidec (TP. Hồ Chí Minh) là doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, chuyên sản xuất mạch điện tử, với gần 6.400 lao động. Hiện nay, công suất hoạt động của công ty mới phục hồi khoảng 50%. Công ty bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Chính quyền TP. Hồ Chí Minh quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ hoạt động sản xuất. Công ty cung cấp cho các khách hàng toàn cầu, do vậy, nếu được phép sản xuất với quy mô 100% lao động thì bảo đảm đóng góp ngân sách cho thành phố với mức như năm ngoái.
Công ty cũng đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" và "một cung đường hai điểm đến". Nhưng điều quan trọng là phục hồi quy mô sản xuất. Công ty cũng đang thực hiện 3 ngày xét nghiệm một lần; từ ngày 20/8 đến nay không có vaccine để tiêm cho công nhân. Công ty kiến nghị được tăng quy mô sản xuất, tăng cường tiêm vaccine cho người lao động.
Công ty Nike Việt Nam có liên kết, quan hệ cung ứng với 20 nhà máy trên cả nước. Sản phẩm của Nike Việt Nam đóng góp 1/3 kim ngạch xuất khẩu giày dép cả nước. Công ty có khoảng 500 nghìn lao động tại các nhà máy trên cả nước. Thông thường, Nike ở đâu thì nhà cung ứng đi theo đó.
Thời gian qua, Nike luôn đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch. Công ty mong công nhân được tiếp cận vaccine. Về vấn đề lưu thông hàng hóa, nếu không có lưu thông thì mở cửa không có ý nghĩa. Công ty cũng cho rằng, không nên đóng cửa nhà máy khi phát hiện ca nhiễm mà tập trung nâng cao bảo vệ người lao động, "sống chung với virus".
Các đối tác của Nike có tiêu chuẩn an toàn phòng, chống dịch cao nhất thế giới, thí dụ các phân xưởng hạn chế thấp nhất giao lưu, liên hệ với các phân xưởng khác. Công ty cũng đang trăn trở vì thời điểm mở cửa ở TP. Hồ Chí Minh kéo dài hơn bởi nếu so các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, thời gian đóng cửa ở đây kéo dài gấp đôi, gấp bốn lần. Thí dụ Thái Lan gấp bốn lần nhưng không đóng cửa. Họ chỉ giảm tối đa công suất. Đối tác Nike ở Ấn Độ đóng cửa 3 tuần.
Theo Nike, việc bảo đảm tuyệt đối an toàn không có ca nhiễm là rất khó. Nhiều địa phương lại đề cao tuyệt đối việc an toàn. Công ty khẩn thiết đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương đưa ra lộ trình mở cửa.
Tập đoàn Phong Thái (Đài Loan-Trung Quốc) có 6 công ty tại Việt Nam với 65 nghìn lao động, chuyên sản xuất giầy, khuôn giầy... Hai tháng qua, từ ngày 17/7 đến nay, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động nhưng vẫn trả lương tối thiểu cho công nhân. Nếu kéo dài thì tập đoàn chịu thiệt hại vì không có doanh thu. Mỗi tháng doanh nghiệp chi trả 17 triệu USD cho các khoản, trong đó trả lương tối thiểu cho người lao động 12,7 triệu USD và 4,3 triệu USD đóng các khoản khác. 25% đơn hàng bị chuyển khỏi Việt Nam đến tháng 9. Tập đoàn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất trở lại, chẳng hạn chỉ cần thông báo ngày giờ cụ thể mở cửa sản xuất và danh sách người lao động đi làm cho chính quyền sở tại. Cho phép công nhân được đi lại bằng phương tiện cá nhân, doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý công nhân và đi lại. Không cần có giấy đi đường nhưng có phối hợp với địa phương...
Theo tập đoàn, điều quan trọng nhất khi doanh nghiệp được hoạt động trở lại thì Nhà nước không cần hỗ trợ doanh nghiệp; đã phục hồi sản xuất thì doanh nghiệp sẽ có thu nhập, có nộp thuế; doanh nghiệp luôn coi việc phòng, chống dịch là ưu tiên số 1, là điều bắt buộc.
Trả lời ngay kiến nghị của một số doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, khi có F0 xuất hiện ở các xưởng sản xuất thì chỉ đưa F0 đi điều trị, tầm soát F1; các xưởng không có F0 vẫn sản xuất bình thường. Muốn vậy, địa phương và các doanh nghiệp có biện pháp kiểm soát được tình hình. Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn có nghĩa là không để phát sinh các ổ dịch lớn trong doanh nghiệp. Vấn đề này cần thống nhất quan điểm. Không cứng nhắc dừng nhà máy khi có F0. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều vaccine về cấp tập trong tháng 9 này, do đó thời gian tới việc tiêm vaccine cho công nhân sẽ được cải thiện.
Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã trình bày nhiều bài học kinh nghiệm về phòng, chống dịch, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất, không để bùng phát các ổ dịch, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xét nghiệm... ; đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội./.