Lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai trên khắp các vùng miền của đất nước. Thiên tai đang có xu hướng diễn ra ngày càng nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường và gây nhiều hiệt hại nặng nề, ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất kinh tế và có tác động to lớn đến các hoạt động an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Điển hình trong năm 2020, “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, mưa lớn kéo dài nhiều ngày phổ biến từ 1.000 – 2.000mm, có nơi trên 3.000mm tại khu vực miền Trung gây lũ lớn, lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng, đặc biệt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều năm qua tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Hướng Hoá (Quảng Trị), Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và nhiều khu vực khác đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản.
Lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn đálà loại hình thiên tai có diễn biến vô cùng phức tạp, ngoài yếu tố mưa tác động trên bề mặt đất còn liên quan tới nhiều yếu tố kích hoạt ẩn sâu trong lòng đất mà chủ quan của con người khó nhìn thấy, đó là yếu tố về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, các đứt gãy ở sâu dưới lòng đất, trong các khối đất đá...
Chính vì vậy, bên cạnh yếu tố khí tượng thủy văn, các nghiên cứu đánh giá về địa hình, địa mạo, địa chất là những thông tin vô cùng quan trọng. Từ đó các cơ quan liên quan nghiên cứu lập bản đồ nguy cơ sạt lở cũng như là những thông tin đầu vào để đánh giá khả năng sạt lở, xuất hiện lũ bùn đá trong các phương pháp, mô hình cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn đá.
Tăng cường dự báo, cảnh báo
Tại hội thảo, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và khó có thể lường hết được.
Các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khoai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.
“Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thúc đẩy các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn và đi cùng với phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nằm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho Nhân dân’, ông Thái nói.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến bàn về các giải pháp tăng cường dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Theo ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, từ năm 2012 - 2018 Viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”.
Đề án đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá, và các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững. Đồng thời, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Nêu kinh nghiệm quan trắc các khối trượt lở ở Việt Nam và ứng dụng học máy trong nghiên cứu trượt lở, Giáo sư Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn vị trí lắp đặt hệ thống quan trắc và thiết kế cấu hình hệ thống quan trắc của các khối trượt là căn cứ quan trọng để đề xuất sử dụng chủng loại cảm biến phù hợp với yếu tố động cần quan trắc của khối trượt lớn.
“Để hệ thống quan trắc hoạt động lâu dài phục vụ cảnh báo sớm hiệu quả, cần có sự phối hợp tạo điều kiện và tham gia của chính quyền địa phương các cấp, kết hợp có hiệu quả các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở trong nước và quốc tế’, ông Đức cho biết.