Trước đây, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, xóm Khau Cà, xã Hồng Trị (huyện Bảo Lạc) và xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) là những xóm đồng bào dân tộc Lô Lô nghèo, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn. Triển khai thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã lập danh sách, đưa 536 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô vào diện hỗ trợ theo Quyết định 2086.
Từ nguồn vốn do Trung ương cấp, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, Khuổi Khon, Cà Đổng. Theo đó, mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, vì đây là những loại cây trồng hợp thổ nhưỡng của địa phương. Từ việc thực hiện hiệu quả Quyết định này, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc đã được hỗ trợ sản xuất, cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín ở xóm Khuổi Khon cho biết: Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đời sống của đại bộ phận đồng bào Lô Lô trong xóm đã có bước phát triển, số hộ nghèo hiện còn 21/110 hộ. Hiện xóm có 1 Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Lô Lô với trên 20 người tham gia. Một số sản phẩm thổ cẩm đã được đặt mua hoặc bán ra thị trường. Ngoài ra, xóm còn được hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp.
Để có được những kết quả trên, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều chuyến công tác đến các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm để khảo sát, tìm hiểu thực tế đời sống, nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Lô Lô. Từ đó, đưa ra những quyết sách đúng và trúng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho đồng bào Lô Lô.
Tương tự, thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình 135, từ năm 2016 - 2019, với sự tham mưu tích cực của Ban Dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng 739 dự án hỗ trợ sản xuất, trong đó hỗ trợ 257.129 con gia súc, gia cầm các loại; 42.642 cây ăn quả; 38.472 kg giống lương thực; 2.933.779 kg phân bón; 7.180,6 kg thức ăn chăn nuôi; 10.633 máy móc nông nghiệp; 599 chuồng trại; 392.717 cây lâm nghiệp... với 108.262 lượt hộ tham gia. Triển khai nhân rộng 140 mô hình giảm nghèo bền vững với 4.575 lượt hộ tham gia và hưởng lợi từ các dự án...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc khác, tỉnh đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, hạ tầng… ở vùng khó khăn. Qua đó, giúp 18.938 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 42,53% (năm 2015) xuống còn 26,07% (cuối năm 2020).
Với nguồn lực đầu tư từ các chính sách dân tộc, đã có nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng biết nắm bắt cơ hội, đầu tư phát triển sản xuất. Như chia sẻ của anh Nông Thế Tài, xóm Tổng Cáng, xã Thượng Thôn (huyện Hà Quảng): “Nhờ được hỗ trợ giống lạc và phân bón, gia đình mở rộng diện tích trồng trên 1ha, mỗi năm thu hoạch hơn 4 tấn lạc, thu gần 40 triệu đồng, gấp 2 - 3 lần trồng ngô, lúa”…
Chia sẻ với phóng viên, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Là cơ quan tham mưu và quản lý về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ghi dấu ấn trong việc triển khai tốt các chương trình, chính sách như: Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 102/QĐ-TTg, Quyết định 2086... Từ đó, làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh; góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong thời gian qua chính là tiền đề, là những kinh nghiệm, điều kiện thuận lợi để tỉnh Cao Bằng bắt tay vào triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn tới.
Trước mắt, chặng đường giảm nghèo còn dài và nhiều khó khăn, xác định điều đó, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về việc thực hiện chính sách dân tộc. Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Chương trình.
“Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG, đồng bào DTTS ở Cao Bằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực” - ông Hùng, khẳng định.