Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 68 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP , trong đó có 16 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 52 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Với lợi thế đã được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, các sản phẩm tự tin và kỳ vọng bước ra thị trường lớn nhân dịp Tết này”.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và bắt nhịp được thị trường, tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh, vận động doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ và các hội nghị kết nối giao thương, kể cả các hội nghị, hội chợ tại nước ngoài... Hiện nay, có 32 hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp và hệ thống phân phối trong kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP. Đây là dịp những sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng ở thị trường Tết.
Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, cho biết: “Dịp Tết, các mặt hàng tôm khô, cá khô, các loại thực phẩm tiêu thụ mạnh. Nắm được lợi thế này, địa phương đã đưa ra các mặt hàng phục vụ tết như tôm khô Đa Giàu, bánh phồng tôm Ý Tám… Hướng tới, thị xã đưa các sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng vào các kênh phân phối của hệ thống Bách hóa xanh. Đồng thời, từng bước đưa vào các hệ thống siêu thị để quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tăng nguồn thu nhập cho nông dân"…
Chương trình OCOP đã tạo luồng gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển mới 103 sản phẩm và công nhận lại 52 sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2019 - 2020.
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình OCOP, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các cấp và các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình. Tiếp tục công tác hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP hoàn thiện về bao bì, nhãn mác và đầu tư máy móc, thiết bị, hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Các địa phương đang củng cố ổn định lại Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm và thực hiện tốt công tác hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm, nâng tầm thương hiệu; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP mang tính đặc thù riêng biệt của địa phương, để sản phẩm OCOP mang lại lợi nhuận cao cho nông dân qua việc nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá, khẳng định thương hiệu.