Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bắc Giang: Phát triển Hợp tác xã 4.0

Minh Thu - 14:43, 11/10/2022

Những năm gần đây, nông dân Bắc Giang đã dần bắt kịp với xu hướng sản xuất hiện đại, chuyển đổi sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), đặc biệt đối với khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong thời đại công nghiệp 4.0.

Sản phẩm của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Sỹ Quyết)
Sản phẩm của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Sỹ Quyết)

Những mùa quả ngọt

Đi đầu trong thực hiện 4.0 ở huyện Yên Dũng, là HTX xã Rau an toàn Tiến Dũng ở thôn Huyện, xã Tiến Dũng, với ứng dụng CNC trên diện tích 13ha rau màu từ năm 2016. Sau 6 năm, HTX mở rộng quy mô lên 60ha, thu hút gần 100 lao động. HTX đầu tư 2,5 tỷ đồng làm nhà lưới, với công nghệ tưới, bón phân tự động của Israel trên diện tích 5ha rau. Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí.

Ông Lưu Xuân Kiên, Phó Giám đốc HTX cho biết: HTX lựa chọn dưa chuột, cà chua, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, tạo được thương hiệu “Rau sạch an toàn Yên Dũng”, và trở thành một trong những đơn vị cung cấp chủ lực rau an toàn cho các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, HTX đã xây dựng 5.000m2 nhà màng; lắp đặt 1ha hệ thống tưới văng; xây dựng khu sơ chế nông sản, với các hạng mục kho lạnh, kho sơ chế, gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, việc ứng dụng CNC trong sản xuất, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… mang đến cho các HTX nông nghiệp nhiều cơ hội, và trở thành giải pháp hữu ích nâng cao hiệu quả kinh tế. Để thích ứng với 4.0, nhiều HTX ở Bắc Giang đã chủ động ứng dụng công nghệ trong các khâu, nhất là sản xuất, tiêu thụ.

Sản phẩm của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Sỹ Quyết)
Sản phẩm của HTX Rau sạch Yên Dũng được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Sỹ Quyết)

Như HTX Gia cầm Mạnh Ngân, bản Rừng Dài, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, để bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho gà đẻ trứng, HTX đã lắp đặt hàng chục quạt thông gió có gắn bộ cảm ứng bật, tắt theo nhiệt độ ngoài trời. Các thiết bị này, được kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Hay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyền Huyền (HTX Quyền Huyền), xã Bảo Đài, huyện Lục Nam đã đầu tư, gắn chip cảm biến đối với hệ thống tưới; hệ thống phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng được cài đặt tự động thông qua bảng điều khiển.

Giám đốc HTX Quyền Huyền, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: “Việc áp dụng CNC vào sản xuất giúp giảm nhân công, vật tư và tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, cây trồng phát triển đều và không bị bệnh”.

Kích hoạt chuyển đổi số trong các HTX

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 656 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, dù tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, song trên thực tế mới có 48 HTX nông nghiệp thực hiện việc ứng dụng CNC trong sản xuất, kinh doanh. Trong số này, có đến 82% số HTX ứng dụng công nghệ trong khâu sản xuất (chủ yếu canh tác, nuôi trồng). Và mới chỉ có 7% HTX ứng dụng công nghệ hiện đại như: Cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bón phân tự động như HTX Mạnh Ngân, HTX Quyền Huyền...

Chia sẻ tại các diễn đàn phát triển, ứng dụng CNC, hầu hết các HTX đều muốn số hóa, ứng dụng CNC các khâu trong sản xuất, song do thiếu kinh phí, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế nên nhiều chủ thể HTX còn tâm lý e dè, mong chờ sự hỗ trợ cụ thể của tỉnh và của địa phương.

 Điển hình như, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh lên kế hoạch mua sắm máy chế biến giò, xúc xích tự động, song do chưa bố trí được kinh phí nên chưa thể thực hiện. Tương tự, HTX Rau sạch Yên Dũng cũng mong nhận được hỗ trợ kinh phí, để lắp đặt trạm quan trắc để tính toán xu hướng thời tiết, chủ động phương án sản xuất...

Khu nhà lưới có hệ thống tưới tự động của HTX Quyền Huyền, huyện Lục Nam (Ảnh: Sỹ Quyết).
Khu nhà lưới có hệ thống tưới tự động của HTX Quyền Huyền, huyện Lục Nam (Ảnh: Sỹ Quyết).

Nhằm đẩy mạnh quá trình số hóa, ứng dụng CNC theo công nghệ 4.0, ngày 5/10/2021, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”.

Trong giai đoạn này, UBND tỉnh Bắc Giang đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...). Đồng thời, thực hiện hỗ trợ, phát triển thành công 5 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng CNC...

Kỳ vọng vào sự phát triển của các HTX trong thời đại công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”, được ví như “ngòi nổ” kích hoạt chuyển đổi số trong các HTX. 

"Tại các cơ sở được chọn, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đồng thời yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, trong đó ưu tiên công nghệ phục vụ chế biến, bảo quản sản phẩm”, ông Hiền cho biết.

Theo ông Hiền để phát triển kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới, Bắc Giang sẽ tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Thực hiện lựa chọn HTX đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đề nghị hỗ trợ phát triển. Tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho các đơn vị thành viên, các HTX trong sản xuất kinh doanh như, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giúp đỡ các nhóm sáng lập viên thành lập HTX mới trên các lĩnh vực. 

Bên cạnh đó, vận động các đơn vị tham gia thành viên Liên minh HTX tỉnh; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý HTX; sử dụng an toàn nguồn vốn, phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu để quảng bá giới thiệu sản phẩm của các HTX.

Còn theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thời gian tới, Bắc Giang sẽ hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép cho phát triển HTX nông nghiệp, ưu tiên các HTX thực hiện mô hình điểm, các HTX sản xuất ứng dụng CNC, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

 Đồng thời, tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, liên hiệp HTX trên địa bàn về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, tập trung đất đai, xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ việc tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước dành riêng cho khu vực HTX, đào tạo nguồn nhân lực, để lĩnh vực kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả tốt nhất, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.