Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bắc Giang: Đồng hành cùng hợp tác xã khởi nghiệp

Nhật Minh - 16:24, 29/09/2021

Nhằm khuyến khích phong trào làm giàu trên quê hương, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tạo điều kiện, kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã khởi nghiệp.

 Sản phẩm sâm Nam núi Dành và nem nướng được trưng bày tại Lễ ra mắt HTX Nem nướng Liên Chung
Sản phẩm sâm Nam núi Dành và nem nướng được trưng bày tại Lễ ra mắt HTX Nem nướng Liên Chung

Hỗ trợ hiệu quả

Năm 2020, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể măng lục trúc “Lâm Sinh Ngọc Châu” cho Hợp tác xã (HTX) Măng Lâm Sinh Ngọc Châu trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình 68).

Từ 8 thành viên ban đầu năm 2018, đến thời điểm này, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã có trên 30 thành viên đồng hành bền vững. Từ một vài sản phẩm ban đầu, đến nay, HTX đã có gần 30 dòng sản phẩm nông nghiệp, phân phối trên khắp các thị trường từ Bắc tới Nam.

Không chỉ giúp sản phẩm tránh bị mạo danh, nhãn hiệu tập thể còn cung cấp cơ chế để kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bởi lẽ, HTX có quyền giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên. Đây là lý do bên cạnh măng lục trúc, nhiều nhãn hiệu khác do tỉnh Bắc Giang hỗ trợ đăng ký bảo hộ như trám đen, lạc Hiệp Hòa, nhãn Yên Thế... đều có hiệu ứng lan tỏa lớn trong phong trào HTX khởi nghiệp, nhận được sự ủng hộ của người sản xuất.

Thực tế, thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Các ngành cũng đưa ra những ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức mạnh dạn khởi nghiệp. Tại các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền cũng định hướng khởi nghiệp phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, từ các nguồn vốn, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 25 HTX (chủ yếu mới thành lập) vay vốn với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng. Nhờ những chính sách đó, cùng sự năng động, sáng tạo của các HTX, tại Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao.

Bắc Giang cũng đã hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép cho phát triển HTX nông nghiệp, ưu tiên HTX mô hình điểm, các HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Trần Văn Tú, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bắc Giang) cho biết: “Việc tuyên truyền những chính sách mới hay chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất tại Bắc Giang gặp rất nhiều thuận lợi”.

Bên cạnh đó, Bắc Giang đã và đang ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, Liên hiệp HTX trên địa bàn, bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất; tập trung đất đai; xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước dành riêng cho khu vực HTX; đào tạo nguồn nhân lực...

Vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn

Dù đã có những bước phát triển, khẳng định được chất lượng sản phẩm, song nhiều HTX đang gặp khó khăn. Ví dụ như HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú chưa có máy móc, phương tiện sản xuất trà xạ đen túi lọc, nên phải vận chuyển nguyên liệu về huyện Lục Nam để gia công. HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương, thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng) cũng loay hoay tìm vốn để mua sắm máy móc, phương tiện phục vụ chế biến gạo thơm Yên Dũng.

Phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của kinh tế tập thể trong xã hội
Phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của kinh tế tập thể trong xã hội

Hiện toàn tỉnh có 67 HTX tạm ngừng và ngừng hoạt động chờ giải thể. Trên thực tế, có thể thấy, tại Bắc Giang, số lượng HTX tăng nhưng số thành viên có xu hướng giảm; quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng; vẫn còn một số HTX chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật HTX 2012 và các văn bản liên quan, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn hoạt động tại các HTX còn thiếu… Vì vậy, các đơn vị khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, nhất là về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng.

Ngày 25/8 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 1802/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Chương trình nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX cả chiều rộng và chiều sâu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, tạo chuyển biến rõ nét trên các mặt quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên người lao động trong HTX; Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực kinh tế tập thể trong xã hội. Phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Thế nên, trong phong trào khởi nghiệp của HTX, ngoài sự chủ động, nội lực của người dân, thì về lâu dài, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp thương hiệu của các HTX được khẳng định trên thị trường, không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.