Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bắc Giang: Đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động

Hoàng Phúc - 08:22, 09/12/2022

Đào tạo nghề là yếu tố then chốt để giải quyết việc làm cho người lao động. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giúp người lao động từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được Bắc Giang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để ổn định kinh tế-xã hội.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được Bắc Giang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để ổn định kinh tế-xã hội.

Tạo điều kiện cho người lao động

Tỉnh Bắc Giang hiện có dân số trên 1,8 triệu người (65,8% trong độ tuổi lao động), trong đó, có 14,26% dân số là đồng bào DTTS. Năm 2022 tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động ở vùng kinh tế khó khăn, vùng DTTS và miền núi, góp phần giúp cuộc sống người lao động từng bước đổi thay.

Cụ thể, thực hiện nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN triển khai thực hiện.

Theo đó, các huyện, thành phố trong tỉnh đã khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động trên địa bàn (số lượng, trình độ, thực trạng lao động, yêu cầu về phát triển ngành, nghề). Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.... Đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức lớp học của các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN sao cho bảo đảm thời gian học lý thuyết và thực hành, chất lượng giáo viên... để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao.

Về ngành, nghề đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo, riêng năm 2022, Bắc Giang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 24/01/2022. Thời gian đào tạo đối với nhóm nghề Công nghiệp - Dịch vụ là 3 tháng, nhóm nghề nông nghiệp 2 tháng và nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp 2 tháng.

Đối với mức hỗ trợ chi phí đào tạo: Người khuyết tật được hỗ trợ 1,3 triệu đồng/tháng. Người DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ mất việc làm… được hỗ trợ 840.000 đồng/tháng. Người thuộc hộ cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, người chấp hành xong hình phạt tù… được hỗ trợ 660.000 đồng/tháng.

Nhờ áp dụng những kiến thức đào tạo nghề đã học, gia đình anh Lý Anh Đức tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi gà.
Nhờ áp dụng những kiến thức đào tạo nghề đã học, gia đình anh Lý Anh Đức tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi gà.

Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Học viên tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sẽ được hỗ trợ tiền ăn 30.000/ngày thực học. Đối với học viên ở xa địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên sẽ được hỗ trợ thêm tiền đi lại là 200.000 đồng/khóa học. 

Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống

Trở về từ các lớp đào tạo nghề, người lao động ở tỉnh Bắc Giang đã tự tin áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, công việc hằng ngày. Nhờ vậy, cuộc sống nhiều gia đình, đặc biệt là ở những vùng khó khăn ngày một đổi thay.

Anh Lý Văn Đức, dân tộc Sán Dìu, trú tại xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, vui vẻ chia sẻ: “Năm 2013 gia đình tôi đã chăn nuôi gà, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm nên chỉ duy trì ở quy mô nhỏ lẻ. Từ năm 2017, sau khi được tham gia lớp học chăn nuôi thú y, tôi đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích. Có thể nói, trong chăn nuôi gà tập trung với số lượng lớn thì việc phát hiện các dấu hiệu bệnh trên vật nuôi càng sớm càng có ý nghĩa quan trọng, từ đó đưa ra các giải pháp để xử lý kịp thời”.

Nhờ những kiến thức đã được học từ lớp học nghề chăn nuôi thú y, cùng với những kinh nghiệm tích luỹ trong chăn nuôi hằng năm, giờ đây, anh Đức đã tự tin phát triển đàn gà của gia đình ở mức độ quy mô lớn. Hiện tại mỗi năm, đàn gà mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Học viên lớp học nghề Điện gia dụng tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang thực hành nghề
Học viên lớp học nghề Điện gia dụng tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang thực hành nghề

Tại tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Vy (Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng) cho biết: Triển khai thực hiện nội dung phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, ngay sau khi Sở LĐTB&XH có văn bản hướng dẫn, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị.

Huyện đã lựa chọn được 2 đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo nghề là Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng và Công ty TNHH một thành viên Chung Nga. Tổng số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp được đào tạo năm 2022 là 150 người. Trong đó 1 lớp học nghề May công nghiệp, 1 lớp học nghề Điện dân dụng và 3 lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm (mỗi lớp có 30 học viên).

Chị Phạm Thị Văn, học viên lớp học nghề Điện dân dụng do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng tổ chức vui vẻ cho hay: “Nhờ tham gia lớp học, tôi cũng như nhiều học viên khác đã nắm được kiến thức và kỹ năng về sửa chữa các thiết bị điện. Giờ đây, những thiết bị điện trong gia đình nếu có hỏng hóc, tôi đều có thể xử lý được. Thời gian tới, nếu vay được nguồn vốn, tôi dự định sẽ mở một cửa hàng nhỏ về điện dân dụng ngay tại quê hương mình để cải thiện kinh tế gia đình”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.