Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Dân tộc- Tôn giáo

Bắc Đế Miếu: Một nét thanh nghiêm giữa lòng thành phố Long Xuyên

Hữu Trực - 17:00, 25/02/2022

Khiêm tốn và trang nghiêm giữa những dãy phố, Bắc Đế Miếu (Chùa Ông Bắc) - di tích kiến trúc cấp quốc gia (năm 1987) với phong cách pha trộn Việt - Hoa, không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của đồng bào người Hoa ở An Giang, mà còn là điểm tham quan nổi tiếng bởi vẻ cổ kính, thanh nghiêm bên dòng sông Long Xuyên.

Khu thiên tĩnh và cổ lâu tạo sự thoáng đãng cho trung tâm ngôi miếu
Khu thiên tĩnh và cổ lâu tạo sự thoáng đãng cho trung tâm ngôi miếu

Kiến trúc độc đáo của ngôi miếu cổ

Được xây dựng từ gần 150 năm về trước, Bắc Đế Miếu vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý như bia ký, chuông đồng, đỉnh sắt có niên đại hàng trăm năm. Từ năm 1887 đến năm 1891, Bắc Đế Miếu trải qua đợt trùng tu quy mô lớn. Với sự góp công góp sức của nhân dân, đã tạo cho Miếu vẻ khang trang cho đến ngày nay.

Bắc Đế Miếu có kiến trúc hình chữ “quốc”, rộng khoảng 400 m2. Hàng cột tròn trong Miếu bằng gỗ căm xe vô cùng bền chắc. Nền miếu lót gạch bông (gạch hoa). Mái ngói âm dương xanh, đỏ. Thượng tầng đắp tượng lưỡng long tranh châu, tỳ nghê, tứ linh… tạo nét cổ kính, hài hòa. Sân Miếu hiện đã được cải tạo khang trang với tường cao bao bọc, sân lót gạch tàu.

Tiền sảnh Miếu có thờ Phật Thích Ca, Hồ Chủ tịch, tượng Bồ Tát Quán Âm, Địa Tạng… Sau tiền sảnh của Miếu là khu thiên tĩnh với cổ lâu chạm khắc phù điêu “quần tiên vân tập”, cũng là nơi đặt lư hương khấn tế Thiên hoàng. Khu phía trong cùng là chánh điện, nơi thờ thần Trấn Vũ (Bắc Đế Chân Vũ Đế Quân), bà con trong vùng thường gọi là Ông Bắc. Ngoài ra, người ta còn thờ Quan Thánh, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bát tiên và các vị thần trong Đạo giáo.

Phù điêu trên cổ lâu được chạm khắc tinh tế
Phù điêu trên cổ lâu được chạm khắc tinh tế

Đặc biệt, theo các thư tịch còn lưu giữ, tường chính của Miếu được làm bằng một loại vữa truyền thống có tên là “hồ ô dước”. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Đình Truật, hồ ô dước cực kỳ quý hiếm, thường thấy trong các thành quách, mộ táng cổ đại. Đó là một hợp chất thần kỳ, khắc chế nước mặn, thách thức thời gian và tuyệt không thấm nước. Bê tông và xi măng hiện đại cũng chào thua.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, Ban Dân tộc tỉnh An Giang đến thăm hỏi và trò chuyện cùng Ban Quản lý di tích
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, Ban Dân tộc tỉnh An Giang đến thăm hỏi và trò chuyện cùng Ban Quản lý di tích

Hòa vào đời sống cộng đồng các dân tộc anh em

Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Bắc Đế Miếu còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân trong khu vực. Theo Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Long Xuyên - ông Lôi Cẩm Chương, Bắc Đế Miếu là kiến trúc chính thống được nhà nước công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia (năm 1987), với nhiều cổ vật có giá trị về văn hóa và lịch sử. Đây cũng là nơi thường diễn ra các lễ hội cổ truyền. Những nét truyền thống đó đã được cộng đồng đón nhận và hòa nhập vào dòng chảy chung văn hóa Việt Nam.

Bắc Đế Miếu là điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh An Giang
Bắc Đế Miếu là điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh An Giang

"Vào những ngày lễ Tết, đặc biệt là tháng lễ Vu lan, Ban Quản lý Bắc Đế Miếu còn vận động mạnh thường quân quyên góp hàng tấn gạo tặng dân nghèo. Những hoạt động này vừa nhằm đóng góp cho xã hội, vừa mang ý nghĩa giáo dục tinh thần đoàn kết cộng đồng", ông Lôi Cẩm Chương cho biết thêm.

Theo Trưởng Ban Quản lý Bắc Đế Miếu, nơi đây tổ chức lễ cúng vào các ngày rằm trong tháng. Đặc biệt, lễ vía Ông Bắc (mùng 3/3 âm lịch) là sự kiện lớn nhất trong năm. Ngoài ra, còn có lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (23/3 âm lịch) và Quan Thánh (24/6 âm lịch).

Cụ ông Huỳnh Sanh (72 tuổi), sinh sống tại TP. Long Xuyên, tâm sự: Đối với những người lớn tuổi như ông, nơi đây có ý nghĩa to lớn. Đó là nơi bà con sum họp, hàn huyên, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống, nhất là vào những dịp lễ Tết.

Các bạn trẻ đến dâng hương tại miếu
Các bạn trẻ đến dâng hương tại miếu

Với nét kiến trúc cổ kính đặc trưng nằm lẫn giữa rừng hoa khoe sắc, Bắc Đế Miếu thường xuyên tấp nập khách viếng thăm, cũng là điểm tham quan nổi tiếng khắp xa gần. Qua lịch sử lâu đời, Bắc Đế Miếu từ vai trò một Hội quán dần trở thành nơi tín ngưỡng của Nhân dân. Giữa phố phường “nô nức yến anh”, di tích kiến trúc cấp quốc gia Bắc Đế Miếu đã tạo nên cảnh quan thanh lịch, trang nghiêm, là một trong những điểm du lịch văn hóa độc đáo của tỉnh An Giang.

Theo Ban Dân tộc tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 miếu; 3 Hội tương tế người Hoa. Toàn tỉnh có hơn 5.200 người Hoa sinh sống, chiếm 0,27% dân số. Cộng đồng người Hoa An Giang luôn thể hiện sự đồng tình, hăng hái thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành tốt pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, cộng đồng người Hoa An Giang còn tích cực ủng hộ các phong trào từ thiện xã hội tại địa phương.