Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ba Vì: Nâng cao chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội

Thanh Hà - CĐ - 11:23, 25/09/2021

“Sự thống nhất đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ này đạt kết quả”. Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, về việc triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP. Hà Nội.

Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Khánh Thượng. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)
Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Khánh Thượng. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL

Thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; cuối tháng 10/2020, Ban Dân tộc TP. Hà Nội đã phối với Học Viện Phụ nữ Việt Nam, UBND xã Khánh thượng tổ chức truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho 230 người là Bí thư chi bộ, trưởng thôn, thành viên Ban chấp hành và hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Khánh Thượng về trợ giúp pháp lý cho Nhân dân thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng. Hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi trên địa bàn TP. Hà Nội.

Bà Bùi Thị Khuyên, hội viên phụ nữ xã Khánh Thượng chia sẻ, sau khi được tham gia lớp phổ biến, bà đã hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; Các hành vi bạo lực gia đình; xâm hại phụ nữ trẻ em; nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình và xâm hại phụ nữ trẻ em; cách nhận biết người gây bạo lực gia đình, nạn nhân của bạo lực gia đình. “Không chỉ được mở mang nhận thức, giờ đây, tôi còn được trang bị một số kỹ năng phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; cách bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước những hành động bạo lực và xâm hại”, bà Khuyên cho biết.

Là một trong những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, cho biết: Hằng năm, xã đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL tới các thôn về các chủ trương, chính sách mà thành phố, huyện và xã đang chuẩn bị triển khai, trong đó tập trung tuyên truyền vào các luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... các nghị định mới của chính phủ.

Trong năm 2020, xã đã tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền với hơn 100 lượt người tham gia, 20 buổi tuyên truyền qua đài truyền thanh xã. Tủ sách pháp luật của xã, thôn và ở các trường học, là địa chỉ tin cậy để người dân đến tìm hiểu các văn bản pháp luật. Hiện, xã có 12 Tổ hòa giải ở các thôn, với 84 hòa giải viên am hiểu kiến thức pháp luật, nhiệt tình trong công tác hòa giải, đã hòa giải thành được rất nhiều vụ việc. Tỷ lệ hòa giải thành trong số các vụ việc phát sinh trong năm qua tăng cao, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong khu dân cư, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...

Ngoài xã Khánh Thượng, các xã: Thị trấn Tây Đằng, xã Thái Hòa, Tản Hồng, Xã Vật Lại, xã Ba Trại... cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL với nội dung, hình thức phong phú. Các địa phương này đã phát huy hiệu quả mạng lưới truyền thanh cơ sở, hoạt động hòa giải, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật... để tuyên truyền, PBGDPL tới Nhân dân.

Việc bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ Tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng nhiệm vụ này. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)
Việc bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ Tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng nhiệm vụ này. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Với phương châm hướng về cơ sở, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và người dân trong huyện, hằng năm UBND huyện Ba Vì đã xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch PBGDPL cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, chú ý củng cố, kiện toàn lại hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, các tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật.

Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL của huyện có 27 thành viên, 14 báo cáo viên pháp luật, 465 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 242 Tổ hòa giải với 1.839 hòa giải viên.

Từ đầu năm 2020, Phòng Tư pháp huyện đã xây dựng, kế hoạch và tổ chức triển khai các văn bản luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực thi hành trong năm 2020 và các văn bản hiện hành có liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý TP. Hà Nội tổ chức được 2 hội nghị trợ giúp pháp lý tại xã Tản Hồng, Phú Đông với hơn 200 lượt người tham dự và phát trên đài truyền thanh được hơn 50 lượt bài tuyên truyền.

Đến nay, 100% các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đều xây dựng tủ sách pháp luật, mỗi tủ có 150 - 200 đầu sách pháp luật trở lên, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân. Cùng với đó, việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được UBND huyện quan tâm. Toàn huyện hiện có 27/31 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 3/1/2020 của UBND huyện Ba Vì về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2020, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy trình.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân trong huyện được nâng lên, thể hiện trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, khai báo tạm trú, tạm vắng, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội...

Nhận thức được cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện, huyện Ba Vì đã tổ chức quán triệt phổ biến một cách kịp thời, sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân về nhiệm vụ xây, dựng, xã phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như: Thông qua hội nghị, hệ thống loa truyền thanh của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đầu năm 2021, trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp, UBND huyện Ba Vì đã ban hành Quyết định công nhận các xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020. Theo đó, có 30/31 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020; 1 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 là xã Tản Lĩnh (do trong năm có cán bộ bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo).

Hà Nội ban hành Kế hoạch nhằm phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp trong triển khai thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật một cách khả thi. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)
Hà Nội ban hành Kế hoạch nhằm phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp trong triển khai thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật một cách khả thi. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP. Hà Nội (gọi tắt là Quyết định số 25). Với mục đích nhằm phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định số 25 thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo Kế hoạch, TP. Hà Nội triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó các ngành chức năng thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí của Hà Nội; hoặc các hình thức phù hợp khác về Quyết định số 25, các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành và kết quả triển khai thi hành (chuyên mục, chương trình, phóng sự trên Cổng/Trang tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã; đăng tải tin, bài trên các báo viết, báo điện tử... của Trung ương và Hà Nội).

Triển khai thực hiện Quyết định số 25, huyện Ba Vì đề ra giải pháp cho thời gian tới, là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên tuyền PBGDPL. Ngoài tuyên truyền các quy định pháp luật mới, các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân, còn chú trọng tuyên truyền các quy định về những điều đảng viên không được làm, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, trên cơ sở đó xác định cụ thể trách nhiệm của các bộ phận liên quan, bảo đảm việc chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.