Nếu như trước đây, công tác PBGDPL luôn bị coi là xơ cứng, khó hiểu, khó tiếp thu thì nay bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, các hình thức tuyên truyền đã liên tục được ngành Tư pháp tỉnh Nghệ An làm mới.
Ông Vang Kiên Cường, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Tương Dương chia sẻ: Để pháp luật thực sự đến được với đồng bào, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các mô hình tuyên truyền mới để có hiệu quả hơn. Trên tinh thần đó, ngành Tư pháp huyện đã phối hợp với chính quyền xã Tam Quang xây dựng mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống tội phạm mua bán người” ở bản Tam Bông. Bí thư Chi bộ bản là người chỉ đạo thực hiện mô hình, Chi hội Phụ nữ và Chi đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, phổ biến, giải thích về những thông tin về phòng chống tệ nạn buôn bán người. Bên cạnh đó, tại các buổi sinh hoạt của các đoàn thể như, Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh vấn đề này cũng được đưa ra để thảo luận, tuyên truyền.
Sau khi mô hình này được triển khai, nhận thức về nạn buôn bán người của đồng bào đã được nâng lên, tình trạng buôn bán người xảy ra trong bản đã từng bước được hạn chế.
“Nếu như trước đây có người lạ đến rủ đi làm ăn xa với mức lương cao thì nhiều chị em đã tin và đi theo ngay. Nhưng bây giờ thì khác, chúng tôi sẽ báo với chính quyền địa phương để kiểm tra thông tin, nếu có dấu hiệu lừa đảo sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời. Nhờ đó, hiện nay bản làng chúng tôi luôn bình yên, nhân dân luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau…”, chị Vi Thị Hoa ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương chia sẻ.
Không chỉ ở Tương Dương mà tại huyện miền núi Anh Sơn nhiều Câu lạc bộ tuyên truyền PBGDPL cũng được thành lập, tổ chức, như: “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3” tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn; Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương… Các câu lạc bộ này sinh hoạt theo định kỳ mỗi tháng một lần. Tại các buổi sinh hoạt, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Tác hại của của việc sinh con đông cũng được đưa ra bàn bạc, trao đổi. Vì thế, hiện nay trên địa bàn xã Phúc Sơn, tình trạng bạo lực gia đình không còn diễn ra, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cũng được tổ chức, như: thi “Gương sáng thanh thiếu niên chấp hành pháp luật”, “Cuộc thi tìm hiểu văn bản pháp luật mới” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An do Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu thực hiện; phát hành “Bản tin pháp luật” phát trên hệ thống truyền thanh của các xã, phường thuộc thị xã Hoàng Mai...
Việc không ngừng đổi mới các hình thức tuyên truyền đã tạo nên sức hút cho các đối tượng thụ hưởng. Cán bộ, công chức và cả người dân không còn cảm thấy các buổi tuyên truyền quá cứng nhắc theo kiểu độc thoại mà có sự trao đi đổi lại, tạo nên hiệu ứng tích cực, mang lại diện mạo mới cho công tác PBGDPL. Điều này, đã góp phần rất lớn trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, ven biển trong thời gian qua.
Điển hình như ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, là hai địa bàn trọng điểm về trật tự an ninh của tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau thời gian tăng cường tuyên truyền PBGDPL, đã có 115 đối tượng vi phạm pháp luật (trong đó 70 đối tượng liên quan đến tàng trữ, sử dụng ma túy) đã tự giác kiểm điểm, cam kết không tái phạm trước cộng đồng dân cư tại các buổi họp thôn, bản; nhiều người dân đã tích cực cung cấp cho các lực lượng chức năng 2.603 nguồn tin phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; tự giác giao nộp 420 khẩu súng các loại...
Ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Việc tuyên truyền PBGDPL được các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả; nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả tại các xã, chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật sát với thực tiễn đời sống của nhân dân vùng biên giới, ven biển. Đặc biệt, sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để công tác này ngày càng thực sự ăn sâu, bám rễ vào đời sống nhân dân.
MINH THỨ