Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Ba Tơ (Quảng Ngãi): Sợ mất tiền hỗ trợ, chính quyền xã cho dân dựng nhà trên đất ruộng

PV - 10:34, 03/12/2018

Nhiều gia đình ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) phải di dời nhà cửa đến nơi ở khác vì sạt lở núi. Do chưa xây dựng được khu tái định cư (TĐC), nên người dân đã dựng nhà dưới ruộng để ở. Việc dựng nhà dưới ruộng tiềm ẩn rủi ro vì chân đất yếu không đảm bảo độ an toàn, phá vỡ quy hoạch đất sản xuất. Bên cạnh đó, một phần diện tích ruộng không được gieo trồng sẽ dẫn đến thiếu ăn giáp hạt.

Ba Tơ Những ngôi nhà của người dân được xây dựng dưới ruộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vụ sạt lở núi tháng 11/2017, khiến 12 hộ dân (44 nhân khẩu) ở thôn Kà La, xã Ba Dinh (Ba Tơ) phải di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Những ngày đầu, các hộ được chính quyền tạo điều kiện đưa về nhà văn hóa thôn để sinh sống. Sau khi mưa lớn đi qua, các hộ vay mượn, dựng chòi tạm trên những đám ruộng của gia đình để ở. Nhưng gần 01 năm qua, vì chờ đợi về khu tái định cư không thấy, các hộ đã dựng nhà ván trên đất ruộng ở.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, huyện đã lập tờ trình xin tỉnh kinh phí đầu tư khẩn cấp khu TĐC cho các hộ dân này, với số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2018 vẫn chưa được tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Trong khi đó, những hộ này lại được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới, nếu không giải ngân sẽ bị thu hồi vốn. Vì thế, chính quyền đành để người dân làm nhà ngay trên đất ruộng để kịp thời giải ngân tránh bị mất vốn.

Bà Phạm Thị Hoa, một trong 12 hộ dân làm nhà trên đất ruộng vừa dọn về nhà mới ở cho biết: “Khi nhà cũ bên kia suối bị vùi lấp, phải dọn sang bên này suối làm chòi ở. Cán bộ xã bảo phải chờ để làm khu tái định cư, nhưng chờ mãi mà không thấy làm, nên dân tự làm nhà thôi. Hơn nửa năm ở trong chòi bạt, trẻ con và người già đau ốm suốt. Giờ vừa xong cái nhà, dọn về ở khá hơn, nhưng cũng chưa hết lo vì nhà ở trên nền đất rất yếu”.

Ông Phạm Văn Hút hộ dân khác cho biết: Vì không biết phải dựng nhà ở đâu, đất nhà chỉ có đồng ruộng nên phải lấy đất ruộng làm nhà. Sống dưới ruộng, cũng lo lắng khi mưa đến, nền đất ruộng yếu, lún và lầy lội, việc thoát nước mưa cũng gặp khó khăn. “Tôi đã dùng cuốc đào đường mương quanh nhà để nước mưa chảy, không tạo thành vũng nhưng khi mưa lớn thì nước vẫn ngập”.

Ông Phạm Văn Phuy, ở thôn Kà La cho hay, đất sản xuất trong vùng chủ yếu là ruộng bậc thang. Những đám ruộng làm nhà là vùng lõm bằng phẳng, giống như túi chứa nước. Khi mưa lớn, nước từ trên núi cao đổ dồn về đây. Giờ là mùa nắng thì khô ráo, chứ đến mùa mưa, nước sẽ vây quanh, không có lối đi về.

Cánh đồng Kà La, có 12 hộ dân dựng nhà để ở chỉ cách một con suối. Đây là đất ruộng nên hạ tầng thiết yếu như điện, đường, hệ thống nước sinh hoạt đều không có, vì vậy cuộc sống của người dân rất khó khăn. Hằng ngày, người dân phải đi bộ ra suối Kà La lấy nước về dùng. Gia đình nào có tiền thì mua nước bình để nấu cơm và uống.

“Không có nước sạch và giếng đào, nên tôi chỉ có thể lấy nước suối ở con suối dọc thôn Kà La sử dụng cho sinh hoạt, còn điện thì tự đi xin kéo về dùng”, ông Hút nói.

Không chỉ khó khăn về điều kiện sinh hoạt và không đảm bảo an toàn, việc dựng nhà trên đất ruộng khiến cho các hộ đang thiếu đất sản xuất gieo trồng. Chị Phạm Thị Vy kể: Xã bảo chờ xây dựng khu TĐC, nhưng chờ mãi không thấy. Sau đó, cán bộ xuống nói với dân, ai có đất ruộng thì làm trên ruộng, có rẫy keo thì đốn keo mà làm nhà cho kịp, chứ không thì không được hỗ trợ 50 triệu đồng nữa. Nghe thế, ai cũng lo lắng, nên đành phải dựng nhà dưới ruộng. “Nhà mình có một mảnh ruộng, nay làm nhà xong thì không còn ruộng để làm lúa nữa, lấy gì mà ăn đây”.

Việc bố trí cho người dân có chỗ ở an toàn là điều cần thiết. Nhưng giải quyết tình thế theo cách này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, bao khó khăn trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây xem ra vẫn chưa dừng lại... Thiết nghĩ, thời gian tới, Chính quyền địa phương cần có các giải pháp khác để người dân ổn định lâu dài, bền vững.

PHƯƠNG TRANG

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!