Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Âm nhạc của dân tộc Chăm - Bản sắc và sự giao thoa

Lê Vũ - Trần Linh - 15:45, 01/11/2023

Văn hóa Chăm là một mảng khá đậm trong bức tranh đa sắc màu của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong đó, âm nhạc là một phần rất quan trọng. Không chỉ lời ca, tiếng hát mang lại thanh âm, giai điệu độc đáo, cuốn hút, các nhạc cụ truyền thống đa dạng còn chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng của người Chăm.

Âm nhạc luôn gắn liền với đời sống lễ hội của đồng bào Chăm
Âm nhạc luôn gắn liền với lễ hội của đồng bào Chăm

Cũng giống như các dân tộc anh em khác của đất nước ta, đối với đồng bào Chăm, âm nhạc luôn gắn liền đời sống, gắn liền với rất nhiều sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, đa số mọi người khi nghe nói đến âm nhạc Chăm lại thường nghĩ ngay đến nhạc lễ, vì đây là loại hình phổ biến hơn cả.

Không thể phủ nhận, đằng sau mỗi nét nhạc rộn rã, mỗi điệu múa uyển chuyển trong các dịp lễ hội hàm chứa đời sống tâm linh phong phú của đồng bào Chăm

Thầy Cả Chuẩn, sống ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) – một chức sắc tôn giáo Chăm Bàlamôn, chuyên là chủ lễ các nghi lễ cho biết: “Mỗi vị thần hay mỗi loại lễ bái, cúng tế đều có những bài hát hoặc những điệu nhạc phụ trợ riêng. Nhạc cụ cũng vậy, ở mỗi lễ hội sẽ có những nhạc cụ được dùng như “chỉ huy”, chẳng hạn trong lễ cúng cầu an, thì chỉ có thầy Cả mới đánh trống Paranưng, và trống Paranưng phải đánh trước, những trống khác mới đánh sau…”

Trống Baranưng, trống Ginăng, kèn Saranai những nhạc cụ nổi tiếng của đồng bào Chăm luôn hiện hữu trong các lễ hội lớn nhỏ
Trống Paranưng, trống Ginăng, kèn Saranai những nhạc cụ nổi tiếng của đồng bào Chăm luôn hiện hữu trong các lễ hội lớn nhỏ

Nhắc đến âm nhạc dùng trong lễ hội của người Chăm, thì không thể không nhắc đến các loại nhạc cụ đặc trưng, đã trở nên rất nổi tiếng thông qua chính các tác phẩm âm nhạc, thơ văn như: trống Paranưng, trống Ginăng hay kèn Saranai.

Theo nhạc sĩ Lê Hưng Tiến (tỉnh Ninh Thuận), người đã dành nhiều tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu về âm nhạc dân gian Chăm cho biết: Nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm rất phong phú nhưng cơ bản có thể chia ra ba thể loại chính là bộ gõ, bộ hơi, và bộ dây. Tiêu biểu nhất cho bộ gõ, là trống trống Paranưng, trống Ginang là những nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng trong các buổi tế lễ. Bộ hơi thì có kèn Saranai cũng là nhạc cụ có mặt trong hầu hết các lễ dân gian. 

Nhìn chung ngoài vài loại nhạc cụ đặc thù, bên cạnh đó, còn có nhiều nhạc cụ được ra đời từ sự giao thoa văn hoá đa dạng, chẳng hạn trống Hagar Paong (trống lớn) tương tự như trống chầu của người Kinh, Ceng là một loại nhạc cụ bằng đồng tương tự như cồng của nhiều dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, hay như đàn Kanyi thuộc bộ dây có cấu tạo tương tự đàn Nhị. 

Nghệ nhân Sầm Văn Minh (69 tuổi, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) đang say sưa với nhịp trống Ghinăng
Nghệ nhân Sầm Văn Minh (69 tuổi, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) đang say sưa với nhịp trống Ghinăng

Bên cạnh nhạc cụ, dân ca Chăm cũng là một cánh đồng trù phú với rất nhiều thể loại từ hát ân tình, hát đối đáp, hò xay lúa, giã gạo, hát đố, hát táng ca (ru hồn người mất trước khi mang thiêu)… Tuy nhiên, điều dễ cảm nhận nhất ở dân ca Chăm chính là tính trong sáng, sôi nổi và trữ tình. Giai điệu thư thái, buông lơi tha thiết làm người nghe dễ liên tưởng đến những điệu lý ở khu vực miền Trung như lý Hoài Nam, lý con sáo, lý thiên thai… hay thoang thoảng “mùi” vọng cổ Nam bộ với các điệu hò mái nhì, hò mái đẩy…

Nghệ sĩ Bá Sinh Tý, phụ trách Ban Nhạc dân gian Chăm tại tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết, Bình Thuận) chia sẻ: Kho tàng âm nhạc dân gian Chăm rất phong phú, tùy vào tính chất của lễ hội hoặc mục đích trình diễn sẽ có những ca khúc khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay để dễ tiếp cận người nghe, là đồng bào các dân tộc anh em khác và du khách, thì đã có nhiều bản nhạc dân ca Chăm được dịch hoặc viết sang lời Việt. 

"Đã có những ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác mới, dựa trên nền tản dân ca, hoặc mang âm hưởng… đó cũng là xu hướng phát triển tất yếu của văn hóa trong thời hiện đại”, Nghệ sĩ Bá Sinh Tý cho biết thêm.

Nghệ sĩ Bá Sinh Tý người có gần 15 năm gắn bó với Ban nhạc dân gian chăm, biểu diễn phục vụ du khách dưới chân tháp Pô Sah Inư
Nghệ sĩ Bá Sinh Tý người có gần 15 năm gắn bó với Ban nhạc dân gian Chăm, biểu diễn phục vụ du khách dưới chân tháp Pô Sah Inư

Cố nhạc sĩ Phạm Duy trong một khảo cứu của mình, đã từng nhận định đặc tính nhạc ngữ của người Chăm, có yếu tố kết hợp giữa những âm giai của hệ thống ngũ cung của âm nhạc miền Bắc, với giai điệu hát bài Chòi ở miền Trung và cả giai điệu Nam giọng oán của dân ca miền Nam. Như vậy, đã có rất nhiều điểm gặp gỡ trong lĩnh vực âm nhạc của đồng bào Chăm và các dân tộc anh em khác trải dài từ miền Trung xuống đến phía Nam. Đó là kết quả của sự giao lưu, bồi đắp văn hoá một cách tự nhiên, tự nguyện giữa các dân tộc thông qua chiều dài lịch sử từ lâu đời cho đến hôm nay.

Tuy nhiên, cũng như nhiều dân tộc anh em trên đất nước ta, việc phát triển hiện đại cuộc sống cùng với sự du nhập văn hoá thông qua các loại hình công nghệ, việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, trong đó có âm nhạc mặc dù đã được chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm, đưa ra nhiều giải phá,  nhưng dường như vẫn còn đó khá nhiều khoảng trống của sự kế thừa. Nếu không có giải pháp căn cơ và nhanh chóng trong việc bảo tồn và phát huy, thì di sản âm nhạc dân tộc Chăm dễ bị mai một. 

Nghệ nhân Lỗ Phú Bảo (áo đỏ, gõ trống Paranưng), năm nay đã 75 tuổi, luôn đau đau về lớp trẻ kế thừa âm nhạc dân tộc Chăm
Nghệ nhân Lỗ Phú Bảo (áo đỏ, gõ trống Paranưng), năm nay đã 75 tuổi, luôn đau đau về lớp trẻ kế thừa âm nhạc dân tộc Chăm

Các thế hệ nghệ nhân biết làm nhạc cụ, thuộc các bài bản âm nhạc cổ truyền, biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống thì ngày càng lớn tuổi, mà khó tìm được người tâm huyết để trao truyền. Như những trăn trở của nghệ nhân Lỗ Phú Bảo, 75 tuổi ở tỉnh Ninh Thuận: “Chúng tôi mong muốn rồi đây đứng vỗ trống, hát ca dưới chân tháp ngoài chúng tôi, sẽ có nhiều bạn trẻ. Chỉ sợ các em không chịu học, không chịu kế thừa, chứ chúng tôi luôn sẵn sàng truyền thụ, bằng tất cả tâm huyết của mình”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.