Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào Chăm tại Ninh Thuận vui lễ Katê tại tháp Pô Klong Garai

Sơn Ngọc- T. Nhân - 23:17, 14/10/2023

Ngày 14/10 (nhằm ngày 1/7 Chăm lịch), hàng ngàn đồng bào Chăm và du khách thập phương tập trung về khu tháp Pô Klong Garai, TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tham dự lễ hội Katê năm 2023.

Đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận tặng quà Ban phong tục tháp Pô Klong Garai
Đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận tặng quà Ban phong tục tháp Pô Klong Garai

Lễ hội Katê truyền thống được xem là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm Bàlamôn Ninh Thuận. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an, gia đình thịnh vượng.

Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất Katê bắt đầu với nghi thức rước y trang từ thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Hàm Thuận Nam về làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

Ngày thứ 2 là ngày chính của lễ hội Katê diễn ra ở các đền tháp gồm các nghi thức: Lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y trang cho thần và phần đại lễ cúng đền tháp.

Kết thúc Katê làng là đến phần lễ của từng gia đình. Chủ lễ thường là người lớn tuổi nhất trong tộc họ, gia đình, thay mặt cả gia đình, dòng tộc dâng lễ lên tổ tiên.

Tất cả những thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, thành tâm cầu nguyện tổ tiên phù hộ để có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Katê cũng là dịp đoạn tụ, gắn kết các thành viên trong gia đình, dòng tộc.

Nghi thức rước y trang tại Tháp Pô Kklong Garai
Nghi thức rước y trang tại Tháp Pô Kklong Garai

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm ngày 14/10, các tuyến đường dẫn lên tháp Pô Klong Garai đông nghẹt bà con đồng bào Chăm. Các vị chức sắc của đồng bào Chăm dẫn đầu đoàn kiệu rước y trang vua Pô Klong Garai (vị vua có công lao to lớn với đồng bào Chăm) từ làng lên tháp Pô Klong Garai và tháp Pô Rômê. Theo sau đoàn kiệu là những cô gái Chăm múa lễ duyên dáng.

Đồng bào chăm dâng lễ vật tại tháp Po Klong Garai
Đồng bào chăm dâng lễ vật tại tháp Po Klong Garai

Các lễ vật chính trong lễ hội Kate tại đền tháp sẽ bao gồm: 1 con dê, 3 con gà để làm lễ tẩy uế trong tháp, 5 mâm cơm với canh và thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, thêm 3 ổ bánh gạo cùng hoa quả. Ngoài ra, người dân còn chuẩn bị thêm rượu, trứng, xôi chè, trầu cau... Đây là phần lễ vật mang lên cúng trên các tháp còn phía dưới chân tháp sẽ là hàng trăm mâm lễ khác nhau do những người dự lễ thành tâm chuẩn bị.

Chương trình dân vũ đặc sắc do thiếu nữ Chăm biểu diễn đón mừng Lễ hội Katê
Chương trình dân vũ đặc sắc do thiếu nữ Chăm biểu diễn đón mừng Lễ hội Katê

Theo tục lệ, sau khi các vị chức sắc làm xong phần việc của mình, đồng bào Chăm sẽ mang những lễ vật lên các tháp Chăm như Pô Klong Garai, Pô Inư Nưgar, Pô Rômê cúng. Trong đó tháp Pô Klong Garai tập trung đông đồng bào và du khách thập phương. Đồng bào Chăm bày biện những lễ vật để cúng cho tổ tiên, các vị vua, thần linh... tại tháp Pô Klong Garai. Những lễ vật phía dưới tháp tùy tâm mỗi gia đình như cơm, canh, gà, trái cây, bánh kẹo...

Phía dưới chân tháp, là khu vực các gia đình bày tỏ lòng thành với lễ vật tùy tâm gồm những loại trái cây quen thuộc như mía, chôm chôm, nhãn, thanh long, cam và ít trầu cau. Bà con cũng cúng thêm gà, cơm, canh, trứng, muối, bánh kẹo.

Nhạc công dân gian Chăm biểu diễn nhạc cụ Saranai tại Lễ hội Katê
Nhạc công dân gian Chăm biểu diễn nhạc cụ Saranai tại Lễ hội Katê

Các đại gia đình hoặc làng xóm thường đi chung với nhau, ngồi bày biện lễ vật ở khu vực dưới chân tháp Pô Klong Garai. Thời gian lễ cúng từ khoảng 6h-11h. Sau khi cúng xong, bà con sẽ cùng gia đình, hàng xóm ăn uống ngay tại chân tháp.

Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn, trụ trì tháp Pô Klong Garai cho biết: Đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận vui đón lễ hội Katê 2023 đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm. Năm nay bà con làm ăn được mùa nên lễ hội Katê sẽ diễn ra trong không khí vui vẻ rộn ràng hơn các năm trước. Lễ hội Ka tê là dịp để con cháu ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên đã phù hộ cho xóm làng bình yên, xua đuổi tai ương bệnh tật. Và cầu mong cho cây trồng, vật nuôi phát triển, mùa màng tốt tươi. Con người sum họp, trai gái nên duyên chồng vợ bền vững.

Các nghệ nhân dân tộc Raglai biểu diễn khèn bầu, mã la tại Lễ hội Katê
Các nghệ nhân dân tộc Raglai biểu diễn khèn bầu, mã la tại Lễ hội Katê

Cả sư bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư hệ thống điện đường trường trạm, kiên cố hóa kênh mương phục vụ tốt sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào Chăm. Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được Nhà nước đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 29/11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tạo tâm lý phấn khởi trong cộng đồng dân tộc Chăm.

Trong dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đến dự lễ tại các đền tháp và thăm tặng quà động viên các chức sắc tôn giáo Bàlamôn, các gia đình đồng bào Chăm tiêu biểu sinh sống tại địa phương. Lễ hội Katê là lễ hội lớn nhất của người Chăm Bàlamôn nhưng thu hút cả đồng bào Chăm Bà Ni, đồng bào Chăm Islam (Hồi giáo chính thống) và hầu hết mọi người trong cộng đồng tham gia. Điều này càng tăng thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo. 


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.