Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

" Chúng tôi cũng có lương hưu..."

Lạc Lạc - 18:43, 01/11/2022

Đó là thông tin mà rất nhiều lao động là người DTTS ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Bắc Cạn... phấn khởi khi chia sẻ với chúng tôi về việc họ tham gia BHXH tự nguyện. Trải qua hơn 13 năm thực hiện, từ thực tiễn chứng minh chính sách BHXH tự nguyện thật sự là một chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định, trong đó có lao động người DTTS, giúp người tham gia được hưởng lương hưu.

"Mở" chính sách để lao động tự do an tâm khi về già 

Trước đây, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (làm việc có hợp đồng lao động, công chức, viên chức...) đóng BHXH đủ số năm theo quy định, khi về nghỉ hưu mới được nhận lương hưu hằng tháng và một số chính sách an sinh xã hội khác.

Từ năm 2008 đến nay, Đảng, Nhà nước ta bổ sung chính sách BHXH tự nguyện, tạo điều kiện cho lao động làm nông, lâm, ngư nghiệp, lao động tự do có khoản để dành cho tuổi già. Để thu hút đông đảo người dân có thể tham gia, chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế mở, linh hoạt. 

Đặc biệt, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất,...; Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu (trước đây, trường hợp này chỉ được hưởng BHXH một lần, khiến họ chịu nhiều thiệt thòi).

Nhiều người DTTS có lương hưu khi được tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh H.A)
Nhiều người DTTS có lương hưu khi được tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh H.A)

Người tham gia BHXH tự nguyện có thể chủ động lựa chọn mức đóng. Mức đóng thấp nhất bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn (tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo từng giai đoạn, từ năm 2021 về trước là 154.000 đồng/người/tháng, giai đoạn 2022-2025 là 330.000 đồng/người/tháng). Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 1,49 triệu đồng/người/tháng).

Sau hơn 13 năm triển khai, chính sách BHXH tự nguyện từng bước đi vào đời sống Nhân dân, được Nhân dân đón nhận. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, đến hết năm 2021, cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%). Điều đó cho thấy, chính sách BHXH tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp.  

Ông Chu Mạnh Sinh, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: BNXH Việt Nam tiếp tục đề xuất tham mưu với Chính phủ đưa ra những chính sách thông thoáng, tạo tiền đề để nhiều người dân có thể tham gia BHXH tự nguyện, qua đó được tiếp cận, thụ hưởng, bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội.

Chúng tôi cũng có lương hưu...

Làm việc tại Công ty TNHH cơ khí Hùng Vinh được 18 năm, vì lý do việc gia đình, chị Sùng Thị Dính, dân tộc Mông ở Hà Giang nghỉ việc, trong khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hằng tháng. Thay vì nhận tiền BHXH một  lần, chị đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, đóng nối vào thời gian tham gia bảo hiểm trước đó thêm 2 năm nữa cho đủ số năm theo quy định là 20 năm. 

 “Nhờ chính sách BHXH tự nguyện, hiện nay, đều đặn mỗi tháng, tôi được hưởng mức lương hưu gần 2 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng ổn định, giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Thiết thực, ý nghĩa nhất là tôi  vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí nên yên tâm mỗi khi đau ốm", chị Dính chia sẻ:

Cũng được nhận lương hưu hàng tháng, ông Lý Seo Sùng, dân tộc Mông ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Năm 2009 ông là cán bộ thủy lợi, nhưng vì sức khỏe yếu nên ông  phải xin nghỉ hưu trước tuổi, thời điểm đó ông đã tham gia BHXH bắt buộc được gần 15 năm, lúc nghỉ hưu ông đã định lấy BHXH một lần, vì lúc đó buôn bán được nên cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng khi đến làm thủ tục nhận BHXH, ông được chị cán bộ làm bảo hiểm tư vấn, vận động ông tham gia đóng tiếp 5 năm BHXH  tự nguyện để đủ điều kiện 20 năm, thì được hưởng lương hưu hàng tháng. 

Sau khi biết được lợi ích của BHXH tự nguyện nên ông đã quyết định không nhận BHXH một lần, mà tiếp tục đóng bảo hiểm đủ 20 năm. Đến nay, ông đã được hưởng lương hưu 8 năm, mỗi tháng khoảng gần 2 triệu.

 "Số tiền này tuy không nhiều nhưng giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế. Lợi ích nhất là tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí, với mức quyền lợi hưởng 95%. Những năm qua, nhờ có tấm thẻ "cứu cánh" này, tôi đã an tâm mỗi khi đến bệnh việc khám chữa bệnh", ông Lý Seo Sùng thông tin.

Cùng chung suy nghĩ, anh Giàng A Phứ, Trưởng bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ,huyện Vân Hồ (Sơn La) phấn khởi kể: Anh là một trong những hộ được tặng sổ BHXH miễn phí hỗ trợ anh ban đầu, anh rất vui vì sau này sẽ giúp anh có lương hưu khi về già. "Tôi sẽ cố gắng duy trì nộp gối vào các năm tiếp theo và sẽ tuyên truyền vận động người dân trong bản tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để được hưởng các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước", anh Phứ nói.

Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008, đã mang đến cơ hội cho hàng chục triệu người dân, lao động tự do được đảm bảo về an sinh xã hội, tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. 

Được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm Y tế, BHXH tự nguyện hoạt động không vì lợi nhuận và nên không bao giờ vỡ quỹ, bởi mục đích duy nhất của chính sách BHXH tự nguyện là vì cuộc sống của người dân./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.