Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm bảo hiểm xã hội ở vùng cao

Hiếu Anh - 18:54, 13/05/2022

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Vì thế, việc phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Người cán bộ không những phải giỏi chuyên môn mà còn phải nỗ lực trong việc học tiếng nói, phong tục tập quán của địa phương để phục vụ người dân.

Người dân tới giao dịch tại Bảo hiểm xã hội huyện Mù Cang Chải
Người dân tới giao dịch tại Bảo hiểm xã hội huyện Mù Cang Chải

Đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Bảo hiểm xã hội huyện Mù Cang Chải, chị Đinh Thị Hoàn ở xã Khao Mang rất hài lòng với thái độ làm việc của cán bộ ở đây. “Tôi đến xin cấp lại thẻ BHYT để đưa chồng đi viện. Đi bộ từ sáng sớm, đến đây đã hơn 11 giờ, nhưng tôi vẫn được cán bộ tiếp đón nhiệt tình, chu đáo; công việc được giải quyết rất nhanh. Các cán bộ còn dặn dò, hướng dẫn tôi cách bảo quản thẻ BHYT, những điều cần chú ý khi đưa chồng đi viện, tôi thấy vui lắm”, chị Hoàn nói.

Chị Nguyễn Thị Oanh, chuyên viên tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính BHXH huyện Mù Cang Chải bộc bạch: Hầu hết bà con DTTS nhận thức, hiểu biết về pháp luật, chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế, lại bất đồng về ngôn ngữ nên cán bộ BHXH phải kiên nhẫn nói đi nói lại nhiều lần, dùng những hình ảnh minh họa, gần gũi với người dân địa phương để họ dễ hiểu, dễ nhớ. 

Ở miền núi, hầu hết địa hình đồi núi, đi lại khó khăn, nhiều người đi bộ từ sáng sớm, nhưng có khi hết ngày mới tới được cơ quan BHXH huyện, do vậy anh chị em luôn tâm niệm phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không để người dân phải đến lần thứ 2 nên thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính. "Nhiều khi đã 7-8 giờ tối, nhưng người dân đến, chúng tôi vẫn ra trụ sở để giải quyết công việc. Việc làm đêm, làm ngoài giờ ở BHXH huyện là điều thường xuyên để phù hợp với đặc thù, con người địa phương", chị Oanh chia sẻ

Cán bộ BHXH huyện Mù Cang Chải tuyên truyền cho người dân
Cán bộ BHXH huyện Mù Cang Chải tuyên truyền cho người dân

Làm công tác BHXH ở vùng cao như huyện Mù Cang Chải cũng đòi hỏi người cán bộ phải có sức khỏe dẻo dai vì thường xuyên đi công tác xa, dài ngày. Theo chân đoàn kiểm tra của BHXH huyện Mù Cang Chải, chúng tôi đã được “mục sở thị” một chuyến công tác như thế. 6h sáng, khi mặt trời lên lưng chừng những ngọn núi mờ sương, chúng tôi đã phải nai nịt đến trường tiểu học cơ sở và trung học cơ sở dân tộc bán trú xã Hồ Bốn. Ngôi trường này cách trung tâm huyện chỉ hơn 20 km, nhưng phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ, do nhiều đoạn lầy lội, khúc cua tay áo.

Chị Oanh đi cùng chuyến công tác với chúng tôi hôm đó chia sẻ, đây là một xã rất gần của huyện, lại nằm trên đường quốc lộ nên chuyến công tác này thuộc dạng “nhàn” nhất rồi. Có những chuyến công tác, đoàn phải đi bộ nửa ngày đường rồi gặp mưa bão quay ra đường bị sạt lở, phải ở lại cả tuần trong bản là chuyện bình thường. Nhiều cán bộ trẻ ở miền xuôi khi mới lên công tác cũng không tránh được sự nản lòng. Nhưng “ở lâu trong cái vất vả chúng mình cũng quên mất vất vả rồi”, chị Oanh hóm hỉnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải cho biết: Với đặc thù địa phương có trên 90% là người DTTS còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính ở BHXH huyện luôn nhận được sự quan tâm của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên chức nên công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” được duy trì tốt, thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời.

Ngay khi có Quyết định 1018 ngày 10/10/2014 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, BHXH huyện Mù Cang Chải đã triển khai ngay đến các đơn vị sử dụng lao động. Đến nay, đã cắt giảm được rất nhiều thời gian, thủ tục hành chính, đặc biệt là trong công tác thu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin triển khai giao dịch điện tử, chữ ký số đang được BHXH huyện triển khai đến các đơn vị, giảm thời gian làm việc trực tiếp. Bên cạnh đó, BHXH huyện cũng đã bố trí cán bộ xuống các đơn vị sử dụng lao động để nhận và trả kết quả tạo thuận lợi tốt nhất cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ BHXH huyện thường xuyên được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ; học tập ngôn ngữ, tiếng nói, phong tục tập quán của người địa phương; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, thái độ thân thiện, hòa nhã. Đây được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua.

Thời gian tới, BHXH huyện Mù Cang Chải sẽ tiếp tục tăng cường công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, triển khai giao dịch điện tử, ứng dụng các phần mềm mới, tăng cường xuống cơ sở, nắm vững tâm tư nguyện vọng của người dân… phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.