Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yêu hơn dân tộc mình…

Thanh Hải - 11:25, 05/02/2021

Năm 2020, một năm đầy biến động với những hệ lụy khủng khiếp từ thiên tai, dịch bệnh. Rõ ràng cũng từ đó mà chúng ta thấy và cảm nhận đầy đủ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Cả dân tộc cùng hướng về tâm lũ, tâm dịch với những hành động sẻ chia rất ấm lòng. Chẳng có “phép thử” nào hơn thế để chúng ta thêm yêu dân tộc mình hơn.

Các lực lượng quân sự, công an... cứu hộ sạt lở núi ở Nam Trà My.
Các lực lượng quân sự, công an... cứu hộ sạt lở núi ở Nam Trà My.

Từ dịch giã…

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lây lan ra nhiều nước với tốc độ chóng mặt. Có chung đường biên giới với nước bạn, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Trong guồng quay của dịch bệnh, những lựa chọn mang tính sống còn - phong tỏa, giãn cách xã hội… đã được Chính phủ thực hiện kịp thời, khẩn trương, đúng thời điểm. Không những vậy, nhiều chủ trương và biện pháp “chống dịch như chống giặc” đã được thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Đó chẳng phải là trách nhiệm, ý thức của công dân với Tổ quốc; của Chính phủ với vận mệnh dân tộc với cuộc sống an lành của Nhân dân hay sao?!

Trên dải đất biên cương, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an, Biên phòng, dân quân túc trực canh giữ ngày đêm. Họ đã lập hàng ngàn trạm chốt lớn nhỏ, biến mình thành lá chắn sống, thành hào lũy kiên cường trước đại dịch Covid-19 . Đó chẳng phải là sự xả thân vì Tổ quốc, vì Nhân dân hay sao?!

Tự hào biết bao khi rất nhiều người vì nhiệm vụ chống dịch đã gác tình riêng, nén đau thương trực chốt ở tiền tuyến hay chỉ đơn giản là đang ở trong các khu vực cách ly phòng dịch. Đó chẳng phải là đã gác tình riêng vì nhiệm vụ chung của dân tộc hay sao?!

Cả dân tộc cùng hướng về tâm dịch, sẻ chia khó khăn cùng tâm dịch với tinh thần và trách nhiệm lớn lao. Tâm thế ấy đã khiến bao y, bác sĩ không quản ngại hiểm nguy xung phong vào vùng dịch; tâm thế ấy đã khiến những cụ già, em nhỏ sẵn sàng góp những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi vào quỹ chống dịch. Tâm thế ấy đã khiến mỗi một cá nhân tự thấy mình cần phải có ngay những việc làm, hành động - dù rất nhỏ - sẻ chia cùng vùng dịch. Đó chẳng phải là ý thức của công dân với cộng đồng, với vận mệnh dân tộc hay sao?!

Không ai bảo ai, nhiều cơ sở may mặc đã huy động công nhân ngày đêm may khẩu trang, chế nước rửa tay sát khuẩn… gửi về vùng dịch. Những đội tuyên truyền lưu động chống dịch cũng đã ra đời… Và, khi chưa biết giúp gì, nhiều bà, mẹ, chị đã xung phong nấu những bữa ăn gửi tặng khu cách ly, gửi tặng những người trên tuyến đầu chống dịch. Đó chẳng phải là tinh thần tương trợ, thân ái, sẻ chia từ ngàn đời nay của dân tộc hay sao?! Chưa bao giờ tình đoàn kết, sẻ chia, gắn kết của dân tộc lại lớn lao đến vậy!

Người dân xứ Nghệ gói bánh chưng ủng hộ vùng lũ.
Người dân xứ Nghệ gói bánh chưng ủng hộ vùng lũ.

… đến thiên tai

Tình dân tộc - nghĩa đồng bào trong năm 2020 đầy biến động một lần nữa lại bùng cháy sau đại dịch Covid-19; khi thiên tai bão lũ liên tiếp giáng xuống rốn lũ miền Trung.

Chỉ trong một thời gian ngắn của tháng 10 và 11, những trận mưa lớn trút xuống, các hồ chứa xả lũ đã biến dải đất khốn khó chìm trong đại hồng thủy. Nước trắng trời. Nước dâng lên tận mái nhà, nước biến đường thành sông, nước quét đi tất cả. Những bàn tay chấp chới kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần… Đó là những chuỗi ngày chan đầy nước mắt của người dân vùng bão lũ. Tang thương chồng chất. Miền Trung quặn thắt đớn đau!

Thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng khi giữa mưa lũ, 13 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4 đã vượt núi, cắt rừng để đến với điểm sạt lở núi rừng Rào Trăng 3 ở Hương Điền (Thừa Thiên - Huế). Đó chẳng phải là ví dụ sống động nhất về sự hy sinh quên mình vì dân, vì nước của người chiến sĩ, của anh Bộ đội cụ Hồ hay sao?!

Những nỗ lực xuyên ngày, trắng đêm không mệt mỏi để bới đất, gạt đá tìm kiếm người mất tích tại các điểm sạt lở giữa núi rừng miền Trung như Rào Trăng, Trà Leng, Phước Lộc… của lực lượng tại chỗ, của những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội. Đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của một người dân trước thảm họa thiên tai mà còn khẳng định thêm hình ảnh đẹp của Quân đội Nhân dân, của Nhân dân và vì Nhân dân!

Giữa bão lũ, triệu trái tim cùng hướng về vùng lũ với hai chữ thiêng liêng Đồng bào. Chúng ta lại bắt gặp hình ảnh những anh Bộ đội, chú Công an, những người dân thường bình dị… sẵn sàng lao vào vùng nước dữ cứu người, cứu tài sản.

Trong và sau lũ, một làn sóng mang tên “nhân đạo, từ thiện” dâng lên mạnh mẽ trong cộng đồng, chạy đua với bão lũ để giúp đồng bào ở vùng thiên tai vơi bớt khó khăn. Cả đất nước đã đau vì “khúc ruột miền Trung” đau!

Giữa mưa bão, ai cũng có thể trở thành mạnh thường quân. Hình ảnh những học sinh góp giấy “kế hoạch nhỏ”, đập heo đất; những cụ già còng lưng cõng thùng mì đến điểm tiếp nhận cứu trợ; những ca sĩ hay vận động viên; rồi hàng triệu cán bộ, công nhân, người dân đã đóng góp ngày công, ngày lương… chung tay vì miền Trung.

Yêu hơn dân tộc mình bởi những con người giản dị, bình thường đã viết nên câu chuyện đẹp về tình đoàn kết, sẻ chia, yêu thương. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại thêm một lần tỏa sáng…/.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.