Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Yên Bái với nỗ lực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân

Hải Khánh - 18:05, 07/08/2023

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đưa ra định hướng phát triển: Phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đồng thời xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh. Với mục tiêu và giải pháp cụ thể, Yên Bái đã nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Yên Bái xây dựng các chỉ số hạnh phúc trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Yên Bái xây dựng các chỉ số hạnh phúc trên cơ sở phát triển kinh tế gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Xây dựng chỉ số hạnh phúc

Để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân đến năm 2025, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh bằng công thức tính dựa trên 3 tiêu chí: "Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x (nhân) tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình/(chia) tỷ lệ hài lòng về môi trường sống". Theo công thức này, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2020 đầu nhiệm kỳ là 53,3%, ở mức khá hạnh phúc.

Các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc chính là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Yên Bái về cuộc sống, về môi trường sống và tuổi thọ trung bình (3 tiêu chí của chỉ số hạnh phúc) - với 36 chỉ tiêu thành phần - là các chỉ tiêu cụ thể về điều kiện kinh tế vật chất; mối quan hệ trong gia đình và xã hội; chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp xúc với cơ quan công quyền; sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng đô thị và nông thôn, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...

Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, “chỉ số hạnh phúc được đo lường, dựa trên 3 chỉ số chính đó là sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình cũng như số năm sống khoẻ. Từ 3 chỉ số chính này sẽ được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí để nâng cao các chỉ số thành phần quyết định chỉ số hạnh phúc của người dân”.

Trước hết để nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế - vật chất, tỉnh đã quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ hạ tầng thiết yếu. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu của người dân. Ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực sự đã trở thành những "công trình, con đường, cây cầu hạnh phúc”, đáp ứng mong ước bao đời của người dân, góp phần tạo điều kiện cho giao thông, giao thương, phục vụ cuộc sống nhân dân ngày một tốt hơn.

Qua đó, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp; những nhiều công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm... đã được khởi công ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các công trình này đã thực sự đã trở thành những “công trình, con đường, cây cầu hạnh phúc”, góp phần quan trọng để địa phương có 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới với 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đưa diện mạo nông thôn và đời sống của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Định, người dân xã Y Can, huyện Trấn Yên chia sẻ, nhờ được Nhà nước và chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, người dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn trước, không phải qua sông, qua đò. Chúng tôi có điều kiện để giao thương, phát triển kinh tế. Người dân chúng tôi rất phấn khởi.

Người dân dọn dẹp vệ sinh, nâng cao môi trường sống ở khu dân cư.
Người dân dọn dẹp vệ sinh, nâng cao chất lượng môi trường sống ở khu dân cư.

Nâng cao đời sống cho Nhân dân

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2025, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành 177 nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách, bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tỉnh luôn đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

Trong xác định tiêu chí “chỉ số hạnh phúc”, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã hướng đến việc nâng cao chất lượng thực chất cuộc sống của người dân; đối tượng thụ hưởng hạnh phúc chính là người dân. Theo đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, Yên Bái đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để người dân tiếp cận được vốn vay, cũng như áp dụng tiến bộ khoa học để sản xuất kinh doanh. Kết quả là năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch. Số hộ giàu có tăng đáng kể, trên vùng cao Yên Bái đã xuất hiện không ít tỷ phú nhờ trồng rừng, trồng quế, chăn nuôi gia súc…

Trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội - tinh thần, ngoài quan tâm phát triển, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh...., Yên Bái cũng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức. Nhờ đó, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Yên Bái đã xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 10 bậc so với năm trước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng tăng 5 bậc...

Yên Bái là tỉnh đi tiên phong trong việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân
Yên Bái là tỉnh đi tiên phong trong việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân

Qua khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều tăng qua hằng năm, đến năm 2022 là 62,57%, đạt mức 2 (mức khá hạnh phúc), số này tăng 8,27% so với năm 2020.

Ông Triệu Văn Thành ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) chia sẻ: Tôi rất vui khi thấy tỉnh Yên Bái là tỉnh đã đi tiên phong trong việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Điều này cho thấy, lãnh đạo tỉnh thực sự rất quan tâm đến đời sống Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để kết hợp hài hòa giữa xây dựng, phát triển với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Một chính quyền làm cho người dân hài lòng chắc chắn là một chính quyền tốt.

Có thể thấy, quan tâm chất lượng cuộc sống Nhân dân và xác định tiêu chí “chỉ số hạnh phúc” là hướng đi đúng đắn, hợp lý của Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đời sống "ấm no, tự do, hạnh phúc” của người dân chính là thước đo hiệu quả và thành công của đường lối, chủ trương của Đảng. Mục tiêu của Yên Bái là hết năm 2023 đưa chỉ số hạnh phúc của người dân lên 63,3% và phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng 15% so với năm 2020. 

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.