Cửa hàng nông sản: Cầu nối đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng
Cửa hàng nông sản của HTX Nông nghiệp Minh Bảo tại phường Yên Thịnh, Thành phố Yên Bái đi vào hoạt động từ 2021 nhưng đã thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm với doanh số kinh doanh hàng tháng của cửa hàng đạt 120 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ thời điểm này.
Theo ông Bùi Việt Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Minh, điểm hấp dẫn với người tiêu dùng của cửa hàng chính là sự phong phú, đa dạng của các mặt hàng với khoảng gần 150 đầu sản phẩm, trong đó có 70% là các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Yên Bái. Thông qua việc ký kết với các đơn vị thu mua tại xã, hoặc các HTX đóng tại các địa phương, cửa hàng sẽ trực tiếp nhập các mặt hàng, nhờ đó các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và giá cả phải chăng đối với người tiêu dùng.
Anh Đặng Quang Sinh, tổ 12A phường Yên Thịnh cho biết, anh thường xuyên lựa chọn các sản phẩm tại cửa hàng nông sản để mua và sử dụng những đặc sản của các huyện vùng cao của tỉnh. Thay bằng việc trước đây muốn mua, anh phải đến tận nơi hoặc nhờ người quen mua giúp thì nay ngay tại các cửa hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, anh có thể mua sắm nhiều sản phẩm theo nhu cầu, từ các mặt hàng thiết yếu đến các mặt hàng đặc sản như: Dầu lạc, Lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, Mật ong Mù Cang Chải, Chè Suối Giàng, Gạo Tú lệ,….
Để thu hút người tiêu dùng và quảng bá cho các sản phẩm OCOP, các cửa hàng nông sản này đã triển khai nhiều tiện ích bán hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng như: thanh toán online, giao hàng tại nhà, bán hàng trên các nền tảng xã hội... Một trong những ưu điểm của các cửa hàng OCOP là giá cả được niêm yết công khai, các mặt hàng đều được đảm bảo về xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Chủ thể sản xuất chủ động đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng
Cùng với kênh tiêu thụ thông qua các cửa hàng kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, thì chủ thể của các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnhYên Bái là hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã cũng đã mạnh dạn tìm các hướng đi để trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Là chủ sở hữu của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: Cá mương sấy; Cá rô lọc xương Hồ Thác Bà; Thịt trâu gác bếp Hiền Vinh... HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh đã chủ động mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình, đồng thời đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: VOSO.VN, các trang tiktok và bán hàng trên các trang cá nhân như Facebook, Zalo… Theo giám đốc HTX Đồng Thị Hiền, cách làm này sẽ mang “lợi ích kép”. Đối với HTX, việc tự sản xuất, tự kinh doanh sẽ tiết kiệm được chi phí, hoạch định được chiến lược, lắng nghe phản hồi từ người tiêu dùng để điều chỉnh sản xuất theo hướng của thị trường nhờ đó bắt kịp được thị hiếu, tăng doanh thu. Đối với người tiêu dùng sẽ dễ dàng mua được các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và giá cả được niêm yết công khai.
Cùng với xu thế phát triển, người tiêu dùng hiện nay có yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng các sản phẩm. Để đáp ứng được yêu cầu này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động tiếp cận với công nghệ mới, thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm, đa dạng hóa quy cách đóng gói,…
Sản phẩm miến đao tráng Thái Toàn Nga của HTX Khởi Nghiệp Xanh xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là 1 ví dụ điển hình. Cùng là sản phẩm miến, song nhờ áp dụng công nghệ mới, ông Đỗ Danh Toàn, Giám đốc HTX Khởi Nghiệp Xanh không chỉ sản xuất ra sản phẩm miến có nhiều kích cỡ mà còn đạt các tiêu chí sợi miến dai, không bị trương, điều mà các sản phẩm miến khác trên thị trường không có. Đồng thời ông Toàn còn xây dựng cách nhận diện thương hiệu đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng nhận ra sản phẩm của mình mà không bị nhầm lẫn với các loại miến cùng loại trên thị trường. Nhờ đó sản phẩm miến đao tráng Thái Toàn Nga là 1 trong những sản phẩm được Tập đoàn Central Retail ký kết biên bản ghi nhớ đưa vào chuỗi hệ thống bán lẻ của Tập đoàn.
Từ những sản phẩm đơn thuần truyền thống được các địa phương nâng tầm thành sản phẩm OCOP và được người tiêu dùng đón nhận. Sự lên ngôi của các sản phẩm OCOP trên các kệ hàng truyền thống và trực tuyến đã cho thấy chuyển biến tư duy của người tiêu dùng tự hào về sản phẩm OCOP của tỉnh, kích cầu cho các sản phẩm của địa phương. Đồng thời, đây cũng là thước đo để đánh giá bước đi đúng đắn của các chủ thể OCOP theo hướng nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng.