Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Yên Bái: Phát huy đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Hiếu Anh- CĐ - 01:30, 26/07/2021

Nhằm phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái tích cực kiện toàn đội xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) cấp xã. Trong giai đoạn dịch Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đội xung kích này còn phát huy tinh thần chủ động vừa PCTT, vừa phòng chống dịch bệnh.

Lực lượng xung kích cùng người dân dọn dẹp sau lũ
Lực lượng xung kích cùng người dân dọn dẹp sau lũ

Linh hoạt, cơ động

Xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa bão, lũ lụt. Địa bàn xã cách trung tâm huyện gần 20 km và cách trung tâm tỉnh hơn 80 cây số. Do đó, khi thiên tai xảy ra, lực lượng chức năng của huyện, của tỉnh rất khó có thể ứng phó kịp thời. 

Để khắc phục hạn chế này, từ năm 2020, địa phương đã thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Theo đó, Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong đội. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả. Đội cũng chú trọng tới các địa bàn xung yếu, đối tượng dễ bị tổn thương như: Người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em.

Ông Hoàng Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết: “Vào mùa mưa lũ năm nay, Đội xung kích PCTT cấp xã đã phân công người trực ban 24/24 giờ và thực hiện tốt theo phương châm "4 tại chỗ". Đội cũng cùng với Ban Chỉ đạo PCTT tích cực vận động Nhân dân chuẩn bị bè, mảng, thuyền nan, gia cố nhà cửa, đồng thời dự trữ các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu yếu phẩm khác để đối phó và khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra”.

Không chỉ phát huy tinh thần trong PCTT, Đội xung kích còn phối hợp với chính quyền các cấp chủ động, linh hoạt trong phòng chống dịch Covid-19. Ông Mai Mộng Tuân, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 24 xã, thị trấn. Theo đó, 100% các xã đã kiện toàn đội xung kích PCTT tai từ năm 2020. Qua thực tiễn, các đội xung kích đã tích cực cùng chính quyền địa phương đi tuyên truyền vận động Nhân dân phòng chống thiên tai. Đội còn trực tiếp tham gia gia cố nhà cửa, chuồng trại, di chuyển các hộ có nguy cơ cao trong vùng thiên tai đến nơi an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, Đội xung kích này tiếp tục phát huy trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid -19. Thực hiện kiểm tra tuần soát trên địa bàn. Nhờ có Đội xung kích mà chính quyền các cấp cũng yên tâm hơn trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Tiếp tục phát huy tinh thần xung kích

Đánh giá về Đội xung kích PCTT cấp xã, ông Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, nhằm phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, từ năm 2020, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng và củng cố Đội xung kích PCTT cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đây chính là lực lượng xung kích tại chỗ tham gia xử lý giờ đầu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài nhiệm vụ chung, mỗi đội xung kích được phân công theo từng nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với đặc thù thiên tai tại từng vùng, khu vực.

Chiến sĩ LLVT huyện Trạm Tấu giúp Nhân dân xã Hát Lừu khắc phục hậu quả bão lũ.
Chiến sĩ LLVT huyện Trạm Tấu giúp Nhân dân xã Hát Lừu khắc phục hậu quả bão lũ.

Hiện, Đội xung kích đang duy trì làm việc theo chế độ kiêm nhiệm với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã (Công an; Dân phòng; Chữ thập đỏ; Đoàn thanh niên; Hội Cựu chiến binh; Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; một số công chức chuyên môn ở xã như: Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế...).

Đội xung kích được cơ cấu gồm: Các tổ tại mỗi thôn, bản (tổ dân phố) và các nhóm chuyên môn. Tổ xung kích PCTT được lập ở các thôn, bản, tổ trưởng do thôn đội trưởng dân quân tự vệ hoặc trưởng thôn, bản kiêm nhiệm. Nhóm chuyên môn gồm: Thông tin liên lạc, hậu cần; y tế; an ninh trật tự; thống kê thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ… Trưởng các nhóm do công chức phụ trách lĩnh vực, lãnh đạo công an xã, hoặc trưởng các tổ chức, đoàn thể xã kiêm nhiệm.

Mỗi đội xung kích có từ 20 - 25 người. Hiện nay, 100% các xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thành lập được các Đội xung kích. Các đội xung kích này đã và đang phát huy rất tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền PCTT, trực tiếp tham gia ứng phó khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả ban đầu. Trong giai đoạn hiện nay, Đội xung kích tiếp tục phát huy tinh thần trong phòng chống dịch bệnh. Theo đó, đội xung kích tích cực tuyên tuyên truyền người dân phòng chống Covid-19, tham gia cùng lực lượng chức năng canh phòng, trực chốt. Đội cũng tích cực trong việc điều tra truy vết các trường hợp liên quan đến Covid-19 và trực tiếp khử khuẩn…

 Có thể nói, đây thực sự là một hình hiệu quả, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.


Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.