Ông Điêu Văn Khang, dân tộc Thái, Người có uy tín bản Sà Rèn là một trong những hộ phát triển kinh tế tiêu biểu của xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Nhận thấy ở địa phương có tiềm năng làm du lịch, với cảnh quan và đặc biệt là bản sắc văn hóa Thái đậm nét, trong bản vẫn còn những ngôi nhà sàn truyền thống... nên năm 2015, gia đình ông đã quyết định tân trang lại ngôi nhà của mình để đón khách du lịch.
Ông Khang cho biết, trung bình, mỗi năm gia đình đón trên 1.300 khách, riêng thu nhập từ dịch vụ nghỉ hơn 100 triệu đồng; ngoài ra còn thu từ dịch vụ ăn uống, thuê xe đạp, các chương trình văn hóa, văn nghệ khác.
Thấy được hướng phát triển kinh tế bền vững để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nên ông Khang đã vận động người dân trong bản làm theo. Điển hình như, anh Hoàng Văn Tuấn nhờ sự tư vấn của ông Khang, gia đình anh đã phát triển du lịch Homestay, bước đầu cũng đã thu được hiệu quả.
Anh Tuấn chia sẻ: “Nhờ sự tư vấn, động viên của bác Khang và được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng nên tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng căn nhà sàn để ở và đón khách du lịch. Qua thời gian, tôi nhận thấy đây là hướng đi hiệu quả, tạo nguồn thu nhập khá".
Để dân làng tin, trước tiên mình phải đi đầu, phát triển kinh tế tốt thì Nhân dân mới làm theo.
Ông Phạm Văn HiểuNgười có uy tín thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng
Tương tự, ông Phạm Văn Hiểu, sinh năm 1947, được Nhân dân bầu là Người có uy tín thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Với vai trò đó, ông đã cùng chính quyền thôn, xã vận động Nhân dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, làm đèn chiếu sáng tại các con đường trong thôn...
Đặc biệt, ông Hiểu còn là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ông luôn dặn dò con cháu và người dân ở địa phương “làm kinh tế cần tìm hiểu kĩ về nhu cầu thị trường, thị trường cần gì thì mình làm cái đó, như thế mới tiêu thụ được". Do đó, các con của ông, dù chỉ trồng rau, nhưng là loại rau rừng, rau địa phương nên được bà con, khách hàng rất yêu thích, có ngày bán lời cả triệu đồng; hay là nuôi cá, nhưng là loài cá bống nhỏ nên khi thu hoạch bán rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Huynh, sinh năm 1946, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng, sau khi nghỉ hưu, ông được Nhân dân bầu là Người có uy tín. Với kinh nghiệm của mình, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn hăng hái tham gia trồng và chăm sóc hơn 2ha quế và chăn nuôi tổng hợp, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Huynh nhớ lại, khi còn công tác, ông cũng được phân công giúp đỡ 05 hộ gia đình trong phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 4 hộ kinh tế gia đình tương đối khá giả, duy chỉ có một hộ do bệnh tật nên kinh tế còn khó khăn...
Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Yên Bái cho thấy, những năm qua, trong xây dựng NTM, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và các chính sách khác, những Người có uy tín đã tích cực phát huy vai trò trách nhiệm của mình tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tham gia làm đường giao thông, tu sửa kênh mương thủy lợi… Đồng thời, vận động đồng bào đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế trang trại, không phá rừng làm rẫy... rất tích cực, hiệu quả
Đặc biệt, ở nhiều nơi, với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, những Người có uy tín đã tiên phong áp dụng thành công các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ba ba, trồng tre măng bát độ, sắn cao sản, trồng quế, trồng chè, trồng rừng... cho chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, làm gương cho nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nhận định: Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình tại cơ sở. Họ xứng đáng với vai trò là cầu nối của Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS, giúp đồng bào tin tưởng, đoàn kết vươn lên thoát nghèo.