Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Bái khởi sắc kinh tế tập thể

PV - 11:15, 15/02/2023

Bên cạnh vai trò "bà đỡ” cho vùng đồng bào DTTS, nét mới trong hoạt động của kinh tế tập thể là các hợp tác xã đã chủ động tìm hiểu về nhu cầu, thế mạnh của nhau, để rồi từ đó liên kết, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Công nhân Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chế biến quế. (Ảnh: Mạnh Cường)
Công nhân Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chế biến quế. (Ảnh: Mạnh Cường)

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên thành lập năm 2019. Đúng như tên gọi, ngay khi thành lập, HTX đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách. Với hướng đi này, năm 2022, doanh thu của HTX đạt 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thu nhập ổn định cho 14 thành viên với thu nhập ổn định 6,5 triệu đồng/người.

Đặc biệt, Dự án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu” của HTX này đã lọt Top 3 Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022.

Bên cạnh vai trò "bà đỡ” cho vùng đồng bào DTTS, nét mới trong hoạt động của kinh tế tập thể là các HTX đã chủ động tìm hiểu về nhu cầu, thế mạnh của nhau, để rồi từ đó liên kết, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX chuyên ngành, tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đồng thời khai thác, phát huy giá trị sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (Yên Bình); HTX Lũng Lô (Văn Chấn); HTX Quế Khánh Thành (Trấn Yên)…

Không chỉ chuyển biến về chất lượng, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể còn được củng cố về mặt số lượng khi ngày càng có nhiều HTX, Tổ hợp tác (THT) được thành lập và hoạt động hiệu quả. Năm qua, toàn tỉnh thành lập mới 97 HTX, nâng tổng số lên tổng số 652 HTX.

Các HTX thu hút 32.193 thành viên, hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực. Năm 2022, doanh thu bình quân của một HTX đạt 2,1 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân đạt 450 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 63,6 triệu đồng/năm. Các HTX nộp ngân sách nhà nước trên 30,36 tỷ đồng.

Bên cạnh các loại hình HTX, THT với cách thức tổ chức đơn giản, phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng trong nhiều lĩnh vực kinh tế cũng thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Vườn cây dược liệu của HTX Sản xuất dược liệu Viễn Sơn, huyện Văn Yên
Vườn cây dược liệu của HTX Sản xuất dược liệu Viễn Sơn, huyện Văn Yên

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 5.984 THT thu hút 31.000 thành viên và khoảng 18.000 lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân của một THT khoảng 350 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân của một THT đạt khoảng 100 triệu đồng.

Bên cạnh giải quyết việc làm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều HTX đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; thay đổi tư duy, sáng tạo, lựa chọn sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP của tỉnh.

Năm 2022, có khoảng trên 61% HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, có trên 80% số sản phẩm của các HTX được xếp hạng OCOP 3 - 4 sao. Hoạt động của HTX, THT đã góp phần quan trọng phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới trên 80 HTX và 300 THT; khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển; trong đó, có ít nhất 61% tổng số HTX đang hoạt động đạt từ loại khá trở lên; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 63 triệu đồng/năm trở lên; đối với THT đạt 45 triệu đồng/năm trở lên; tạo việc làm cho khoảng 9.600 lao động thường xuyên trong các HTX.

Để hoàn thành mục tiêu này, bám sát các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy, Liên minh HTX tỉnh tích cực chủ động tham mưu với tỉnh về mục tiêu định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể; chủ động xây dựng chương trình kế hoạch, đề án phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể, các gương điển hình tiên tiến cũng như các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ cho các HTX về kế hoạch sản xuất, dịch vụ, công tác kế toán, xây dựng đề án, phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX. Đồng thời giúp các HTX mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp. 


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.