Đổi đời trên vùng cao nguyên
Tháng 10/2018, tại thôn Đạ Mur, xã Đạ K’Nàng, huyện nghèo Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, vợ chồng anh Nguyễn Huy Phương và chị Võ Thị Thu thành lập Hợp tác xã (HTX) Laba Banana Đạ K’Nàng, do anh làm Giám đốc, chị làm Phó giám đốc. Bắt đầu từ vườn cà phê già cỗi của gia đình, anh chị quyết định chuyển đổi sang trồng chuối Laba, sau đó lan tỏa đến các hộ nông dân trong địa phương cùng tham gia với tổng diện tích 5 ha.
Chỉ sau 5 năm, bây giờ HTX có tổng diện tích trên 300 ha chuối Laba, sản xuất liên kết theo hợp đồng với hơn 100 nông hộ, trong đó 40% là hộ đồng bào DTTS. Để đáp ứng sản phẩm chất lượng và sản lượng, đến nay HTX đã đầu tư tổng mức gần 30 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng, dây chuyền, máy móc thiết bị trên diện tích đất gần 10.000 m2. Có trên 30 công nhân chính và 30 người làm thời vụ, trong đó đồng bào DTTS chiếm 80%.
Từ mô hình mẫu, HTX chuyển giao, nhân rộng cho các hộ canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cùng hệ thống máy móc và nhân lực, mỗi năm, HTX Laba Banana Đạ K’Nàng xuất khẩu đạt 80.100 tấn/ha. Trong đó, năm 2021, chuối Laba của HTX đã xác lập được vị trí tại siêu thị rất khó tính như: Nhật Bản trên 6.000 tấn, Trung Quốc khoảng 300 tấn, Hàn Quốc khoảng 600 tấn, Malaysia khoảng 400 tấn và Hoa Kỳ 40 tấn…
Chia sẻ thêm những thông tin vui, Phó Giám đốc Võ Thị Thu cho biết, tổng sản lượng mỗi năm HTX thu hơn 3.000 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 50%, phục vụ trong nước 40% và 10% quả tươi được chế biến thành các sản phẩm bột chuối, chuối sấy khô…
Các đối tác đã đề nghị tăng số lượng chuối Laba cung ứng lên gấp nhiều lần, tương ứng với diện tích đất trồng chuối cần mở rộng đến năm 2023 là 500 ha, do đó HTX ký hợp đồng liên kết mới với 80 nông hộ trong thời gian 3 năm. Mức tăng trưởng bình quân này mục tiêu 1.000 ha vào năm 2025 của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng sẽ là hiện thực.
Năm 2022, HTX chính thức đầu tư hệ thống bảo quản và phân phối sản phẩm chuối Laba tại Tp. Đà Lạt, do nông dân Bùi Minh Tua đứng tên, để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Anh Tua chia sẻ: “Có 2 công đoạn canh tác đáng lưu ý của cây chuối Laba là sát khuẩn nấm bệnh trong đất trước khi xuống giống và phòng trừ bệnh héo rũ trong mùa mưa. Để bảo đảm uy tín về chất lượng, HTX chuyển giao kỹ lưỡng cho các nông hộ và thường xuyên giám sát, tạo điều kiện sinh trưởng tối ưu nhất cho cây chuối Laba…”.
Theo anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX, ngoài hợp đồng ràng buộc, HTX đầu tư cho các nông hộ liên kết 50% nguồn vốn về giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch với giá ấn định trước. Về phía nông hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình canh tác theo hướng dẫn, từ khâu thu hoạch đúng quy cách, số lượng và tiêu chuẩn theo cam kết.
Phương thức hạch toán hợp đồng trong 3 năm, nông hộ chăm sóc đúng kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, gấp 6 - 7 lần so với trồng cà phê.
Với nguồn thu nhập này, hiện đang mang lại niềm vui hạnh phúc cho rất nhiều nông hộ tham trồng chuối như chị Kon Sơ Ka Hương (dân tộc Cơ Ho), chị Đặng Thị Phương (dân tộc Dao) hay anh Lương Đình Tùng và nhiều bà con dân tộc Cơ Ho, Mnông, Dao và Kinh…
Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, bà Mơ Bon Ka Thơm cho rằng, bước phát triển đột phá của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, đã góp phần chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng ở địa phương, nâng cao nhận thức và thu nhập cho người dân rõ rệt.
Một số diện tích được HTX gắn chip theo dõi “sức khỏe” của chuối để điều khiển chế độ chăm sóc hàng ngày, bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng trong môi trường an toàn dịch bệnh, đặc biệt bảo đảm chất lượng cao nhất của quả chuối.
Ngoài ra, chuyên gia Nhật Bản cũng đã qua hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư nhiều tỷ đồng và giám sát để cây chuối phát triển đúng hướng sản phẩm GlobalGAP… Nhờ vậy, trong giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, HTX vẫn chủ động, linh hoạt ứng phó cùng những chiến lược phù hợp về thị trường, kinh doanh, phát triển nên doanh thu, lợi nhuận vẫn được giữ vững mức tăng trưởng.
Vững chắc cùng ra biển lớn
Chuối Laba Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) công nhận thương hiệu đặc sản và trở thành thương hiệu nức tiếng trong nước và quốc tế. Hiện, diện tích trồng chuối liên kết của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đã phát triển mở rộng đến địa bàn các xã như, Phi Liêng, Liêng S’rônh của huyện Đam Rông, các xã Phú Sơn, Tân Hà… của huyện Lâm Hà.
“Kho lạnh của HTX chúng tôi với năng lực bảo quản hơn 20 tấn, thời gian giữ tươi cho chuối Laba sau thu hoạch trong 30 ngày. Tuy nhiên, sản lượng chuối sản xuất đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó nên kho lạnh thường tập kết chuối sau sơ chế không quá 3 ngày”, Phó Giám đốc Võ Thị Thu cho biết.
Tin vui mới đây đến với HTX Laba Banana Đạ K’Nàng là, sản phẩm chuối của HTX đã đạt top 50 sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao ASEAN 2022. Giải thưởng này thực sự khẳng định chuối Laba là quả ngọt đúng nghĩa, từ những nỗ lực phấn đấu của tập thể các thành viên HTX Laba Banana Đạ K’Nàng.
Theo Giám đốc Nguyễn Huy Phương, để phát huy lợi thế về địa kinh tế và tiềm năng xuất khẩu “Chuối tiến vua” của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, giai đoạn từ năm 2025 trở đi phải đạt công suất 70 - 75 tấn/ngày, tương ứng với vùng nguyên liệu cần xây dựng ổn định 1.000 ha, thì ngành Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan tỉnh Lâm Đồng sớm quan tâm đến quy hoạch, xác định những vùng sinh thái phù hợp với “Chuối tiến vua” thì người nông dân mới thực sự yên tâm đầu tư chuyển đổi lâu dài và chú trọng đến sản xuất theo chuỗi giá trị…