Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Nam: “Tiếp sức” để phát triển kinh tế tập thể hiệu quả

Minh Ngọc - 10:07, 03/12/2022

Trong những năm qua tại Quảng Nam, với sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác không chỉ khôi phục, phát triển sản phẩm truyền thống, tạo ra sản phẩm mới, mà còn mở ra hướng tiếp cận những kỹ năng quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh.

Nông dân thị trấn Ái Nghĩa, thành viên HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) bên giống lúa mẹ đang ngậm sữa. Ảnh: KK
Nông dân thị trấn Ái Nghĩa, thành viên HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) bên giống lúa mẹ đang ngậm sữa. Ảnh: KK

Nhiều HTX hoạt động hiệu quả

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 509 HTX và 1 Liên hiệp HTX. Trong đó, có 355 HTX nông nghiệp, 25 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 126 HTX thương mại - dịch vụ, 3 quỹ tín dụng nhân. Hiện có 84 HTX, tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP và có nhiều sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao. 

Bằng tâm huyết và sáng tạo không ngừng, các HTX đã đưa ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, khôi phục sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề tại Quảng Nam nói riêng.

2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến việc tiêu thụ sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhiều HTX nông nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất chế biến sản phẩm chuyên sâu; Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao giá trị cho sản phẩm, hướng đến xuất khẩu. 

Nhiều HTX mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn mô hình phù hợp như, xây dựng sản phẩm OCOP, sản xuất kinh doanh gắn chuỗi giá trị sản phẩm, nhờ vậy đã tự chủ hoạt động, tạo dựng thương hiệu, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn. Đây cũng là động lực để các HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, đầu tư máy móc hiện đại.  Đồng thời, xây dựng Website, kênh phân phối Online, thiết lập hệ thống phân phối và đại lý tiêu thụ trên toàn quốc; đào tạo nhân lực có nghiệp vụ bán hàng và Marketing sản phẩm. Các HTX cũng tìm kiếm đối tác tiềm năng, ký kết đơn hàng lớn với giá cao, từ đó nâng cao giá thu mua cho các hộ vệ tinh.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang -Nguyễn Thanh Vũ (bên trái) cùng gian hàng với các sản phẩm OCOP của HTX.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang -Nguyễn Thanh Vũ (bên trái) cùng gian hàng với các sản phẩm OCOP của HTX.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (huyện Núi Thành), từng là 1 trong 4 HTX điển hình của huyện Núi Thành đã được Liên minh HTX tỉnh khen thưởng tại Hội nghị tuyên dương khen thưởng các HTX điển hình tiên tiến trên địa bàn Quảng Nam (năm (2020 - 2021). 

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang, ông Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ, có được kết quả này, nhờ HTX biết chọn hướng phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ nấm, chú trọng đầu tư chất lượng và mẫu mã. Nhờ đó, HTX tạo dựng được thương hiệu với những sản phẩm từ nấm linh chi, bào ngư, mộc nhĩ... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm “Bột nấm mộc nhĩ Hoàng Hải” của HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang. 

Trước đó, HTX đã có 2 sản phẩm “Trà linh chi Hoàng Hải” và “Nấm linh chi Hoàng Hải” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Đây là kết quả đáng tự hào của HTX trên con đường nâng tầm giá trị cho cây nấm, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương huyện Núi Thành.

Với mô hình sản xuất nấm, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang đã giải quyết việc làm cho 11 lao động thường xuyên và 8 lao động thời vụ, với mức lương từ 3,6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Quảng bá sản phẩm cho các HTX

Mới đây (tối 1/12), Tp. Tam Kỳ (Quảng Nam) đã diễn ra “Ngày hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm HTX” do Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cùng Trung tâm Tư vấn hỗ trợ HTX doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức. 

Các sản phẩm được doanh nghiệp, HTX trưng bày, giới thiệu tại sự kiện gồm: Sản phẩm nông sản là đặc sản địa phương vùng, miền; sản phẩm nông sản chế biến; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống; vật tư phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; máy móc thiết bị cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Sôi nổi “Ngày hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm HTX” tại Quảng Nam
Sôi nổi “Ngày hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm HTX” tại Quảng Nam

Hội chợ nhằm chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh; xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm hàng hóa, tiếp cận trực tiếp các đơn vị xuất nhập khẩu, nhà phân phối hàng hóa trong và ngoài nước. Đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, ký kết các hợp đồng kinh tế, tiếp cận thị trường cho các đơn vị HTX trên cả nước.

Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Ngày hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm HTX” là dịp để các HTX tham gia OCOP sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, học tập từ các chuyên gia, đơn vị hoạt động có hiệu quả. Từ đó tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng thực tiễn cho mình. Đồng thời hưởng lợi từ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP...

Ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ

Cũng dịp này, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khai giảng Khóa tập huấn “Xây dựng kênh phân phối và chiến lược tung sản phẩm OCOP, sản phẩm xanh…” tại Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam.

Khóa tập huấn nhằm giúp các học viên nắm bắt quy trình xây dựng kênh phân phối, tối ưu hệ thống vận hành và nâng cao hiệu quả bán hàng thông qua kênh phân phối trong giai đoạn mới; xây dựng hệ thống quy trình quản lý, chính sách bán hàng, chương trình tạo động lực và bộ công cụ quản lý kênh phân phối; chiến lược phát triển và tung sản phẩm ra thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm xanh…

Nhiều sản phẩm của các HTX ở miền núi Quảng Nam đạt chất lượng OCOP
Nhiều sản phẩm của các HTX ở miền núi Quảng Nam đạt chất lượng OCOP

Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức 16 khóa tập huấn kỹ năng quản trị, kỹ năng Marketing Online, kỹ năng bán hàng và phát triển kênh phân phối, kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, kỹ năng thực hiện chế độ quản lý và phân tích báo cáo tài chính… Nhờ vậy, các HTX, tổ hợp tác đã ứng dụng tốt các kỹ năng này vào việc bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19.

Giai đoạn 2020 - 2022, đơn vị cũng đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Theo đó, ngày 28/9/2021, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định 2735/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức KTTT, HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển KTTT, HTX với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động, đặc biệt lĩnh vực lâm nghiệp; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; tiếp tục hoàn thiện thể chế; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Nhiều sản phẩm của các HTX ở miền núi Quảng Nam đạt chất lượng OCOP.
Nhiều sản phẩm của các HTX ở miền núi Quảng Nam đạt chất lượng OCOP.

HĐND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh ban hành Quyết định 2406/QĐ-UBND Quảng Nam 2021 Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết 25/2021/NQ-HĐND tỉnh. Đây được xem là chính sách quan trọng để hỗ trợ HTX tiếp tục đổi mới và hoạt động hiệu quả nhằm giữ vững vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.