Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giám đốc Hợp tác xã nâng tầm giá trị cho nông sản Bắc Hà

Tráng Xuân Cường - 09:46, 30/11/2022

Lập nghiệp ngay tại quê hương Tả Chải, huyện Bắc Hà (Lào Cai), người con dân tộc Phù Lá - Sải Thị Bích Huế (SN 1989) nhận thức được việc đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp hiệu quả, căn cơ nhất để nâng tầm giá trị nông sản. Chị đã mạnh dạn thành lập HTX Quang Tom, xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP 3 sao gồm mận tam hoa sấy dẻo và trà shan tuyết cổ thụ, góp phần đưa nông sản vùng cao Bắc Hà bay xa...

Giám đốc HTX Quang Tom - Sải Thị Bích Huế giới thiệu sản phẩm OCOP mận Tam Hoa sấy dẻo
Giám đốc HTX Quang Tom - Sải Thị Bích Huế giới thiệu sản phẩm OCOP mận Tam Hoa sấy dẻo

Tìm hướng đi mới cho mận Tam Hoa

Đến thăm HTX Quang Tom tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, chúng tôi gặp chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX năng động, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm OCOP cho nông sản Bắc Hà. Chị Huế cho biết, mặc dù đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, nhưng chị luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Vì thế, chị đã chọn khởi nghiệp với quả mận Tam Hoa - loại nông sản thế mạnh của địa phương. Bởi toàn huyện Bắc Hà đang có khoảng 308 ha diện tích trồng mận Tam Hoa, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả.

Chị Huế chia sẻ, Bắc Hà là địa danh du lịch cấp tỉnh, trong khi đó, mận Tam Hoa là đặc sản của địa phương, có mẫu mã đẹp, giòn, ngon, ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, được khách du lịch ưu chuộng. Tuy nhiên hiện nay, việc bảo quản, đóng gói để trở thành sản phẩm hữu cơ mang tính thương hiệu chưa được đề cao. Mận Bắc Hà chỉ được bán ở dạng quả tươi. Thời điểm thu hoạch chỉ diễn ra trong vòng hơn 1 tháng, giá bán chưa ổn định. Vì vậy, chị quyết tâm tìm hướng đi mới cho mận Tam Hoa.

Năm 2021, chị Sải Thị Bích Huế cùng gia đình mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Quang Tom với 7 thành viên để kinh doanh mận Tam Hoa. Đồng thời, chị bắt tay nghiên cứu và thử nghiệm chế biến sản phẩm mận Tam Hoa sấy dẻo với mục đích bảo quản được lâu hơn và trở thành hàng thương phẩm, nâng tầm giá trị quả mận Bắc Hà.

Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc Hợp tác xã Quang Tom khởi nghiệp từ quả mận, một loại nông sản thế mạnh của địa phương.
Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc Hợp tác xã Quang Tom khởi nghiệp từ quả mận, một loại nông sản thế mạnh của địa phương.

Bước đầu thử nghiệm, HTX Quang Tom gặp không ít khó khăn do quả mận Tam Hoa tương đối nhiều nước, kích thước và lượng đường trong quả cũng không đều. Vì vậy, để tạo ra được sản phẩm sấy dẻo, quá trình làm đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, kỳ công. HTX phải nghiên cứu kỹ về quy trình và hàm lượng đường, sau đó là quá trình sấy cho từng mẻ sản phẩm. Sản phẩm mận Tam Hoa sấy dẻo của HTX Quang Tom đã được thị trường chấp nhận, tin tưởng. 

Cuối năm 2021, Chị Huế đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao mận tam hoa sấy dẻo, mở ra cơ hội mới đưa sản phẩm ra thị trường. “Đây chính là động lực để chúng tôi có niềm tin tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”, chị Huế phấn khởi cho biết.

Xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết

Chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà nổi tiếng từ nhiều năm nay. Toàn huyện Bắc Hà hiện có khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ. Tuy nhiên, sản phẩm này lại chưa có tem, nhãn để khẳng định thương hiệu,... Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá thành lên xuống thất thường, chưa thực sự phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Với mong muốn tím kiếm đầu ra cho ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, quảng bá đặc sản, thương hiệu, góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, Giám đốc HTX Quang Tom đã mạnh dạn xây dựng sản phẩm OCOP để bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm chè Shan tuyết, nâng cao thu nhập cho bà con.

Giám đốc HTX Quang Tom - Sải Thị Bích Huế giới thiệu sản phẩm OCOP trà shan tuyết cổ thụ.
Giám đốc HTX Quang Tom - Sải Thị Bích Huế giới thiệu sản phẩm OCOP trà shan tuyết cổ thụ.

Từ năm 2021, HTX Quang Tom đã liên kết với các hộ dân có chè Shan tuyết trên địa bàn, đặc biệt là vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Tả Củ Tỷ để thu mua chè tươi và hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của các thành viên trong HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “ba không”: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không phân bón hóa học. Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm chè Shan tuyết đảm bào chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

HTX Quang Tom đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, đặc biệt là sản phẩm hồng trà, bạch trà, chè đen, được người tiêu dùng ưa chuộng
HTX Quang Tom đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, đặc biệt là sản phẩm hồng trà, bạch trà, chè đen, được người tiêu dùng ưa chuộng

Hiện nay, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, đặc biệt là sản phẩm hồng trà, bạch trà, chè đen, được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, thành phố Lào Cai ưa chuộng.

Sản phẩm trà chè cổ thụ được bà con bán với giá rất cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng ở các xã Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền. Vì vậy, cây chè cổ thụ hiện nay được bà con bảo vệ, gìn giữ như báu vật.

Trong thời gian tới, cùng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, HTX Quang Tom đang có kế hoạch đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu toàn bộ búp chè tươi cho bà con. Đồng thời, hiện đại hóa trang thiết bị, tích cực quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vươn ra thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.

Vùng chè shan tuyết cổ thụ xã Hoàng Thu Phố đã được xây dựng thành điểm phát triển gắn với du lịch bền vững
Vùng chè shan tuyết cổ thụ xã Hoàng Thu Phố đã được xây dựng thành điểm phát triển gắn với du lịch bền vững
Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.