Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Yên Bái: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Cam Phúc - 08:21, 09/08/2024

Xác định cơ sở hạ tầng là tiền đề, tạo thế vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, để đẩy mạnh công tác đầu tư.

Tuyến đường liên tỉnh kết nối giữa Yên Bái và Phú Thọ
Tuyến đường liên tỉnh kết nối giữa Yên Bái và Phú Thọ

Tận dụng nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 7.995.123 triệu đồng, đạt 38,07% kế hoạch, tăng 10,18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư khu vực Nhà nước trên địa bàn đạt 2.302.841 triệu đồng, chiếm 28,8%, đạt 33,67% kế hoạch, tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đạt 5.411.690 triệu đồng, chiếm 67,68% tổng số, đạt 40,36% kế hoạch, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều dự án trọng điểm của khu vực này được tập trung triển khai, như: Dự án xây dựng cảng BBCIM Yên Bái, do Công ty Cổ phần Gang thép BB CIM Holdings đầu tư với tổng mức đầu tư lên tới 713 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phú Thịnh 3, do Công ty Cổ phần Công nghiệp EUP đầu tư tại Khu Công nghiệp phía Nam, xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, huyện Yên Bình với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 280.592 triệu đồng, chiếm 3,5%, đạt 37,41% kế hoạch, tăng 11,44% so với cùng kỳ. Quý II/2024, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều tín hiệu khả quan và khởi sắc so với cùng kỳ, như: Dự án Nhà máy Sản xuất giấy Kiến Phát của Công ty Cổ phần Thực nghiệp Kiến Phát liên doanh với Công ty TNHH Giấy Đằng Phong (Phúc Kiến, Trung Quốc); Dự án Nhà máy Sản xuất Ván sàn SPC của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới Thiên Lam liên doanh Công ty Yifan Industry (Hàn Quốc) Co., limited - Tổ chức kinh tế thực hiện dự án…

Với quan điểm tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, ngay từ những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các đơn vị chức năng tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, Lãnh đạo tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Khẩn trương phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới, dự án chuyển tiếp (chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án) chưa được giao chi tiết kế hoạch vốn; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân; kiểm tra công tác giải ngân tại các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Quang cảnh đường giao thông tại hạ tầng Cụm Công nghiệp Hưng Thịnh, tỉnh Yên Bái
Hạ tầng Cụm Công nghiệp Hưng Thịnh, tỉnh Yên Bái

Nhiều công trình, dự án tạo sức bật cho kinh tế địa phương

Nhờ tận dụng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tỉnh Yên Bái không ngừng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu là việc Yên Bái xây dựng nhiều cây cầu mới, như: Tuần Quán, Bách Lẫm, Văn Phú, Cổ Phúc, Giới Phiên… nhằm mục đích phát triển đô thị hài hòa 2 bên bờ sông Hồng.

Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, hệ thống các công trình cầu qua sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Yên Bái, các công trình đưa vào sử dụng đã và sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là động lực thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thành phố Yên Bái mới, các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp.

Bên cạnh hệ thống cầu, hàng loạt tuyến đường giao thông mang tính chất kết nối vùng, liên vùng, xoay quanh tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại tỉnh Yên Bái đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng. 

Trong những tháng đã qua của năm 2024, các đơn vị thi công vẫn miệt mài huy động máy móc, phương tiện sẻ núi, dựng cầu mở đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15). Dự án có tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, với quy mô đường cấp IV miền núi có tổng chiều dài gần 70 km. Công trình hoàn thành sẽ phá thế độc đạo từ trung tâm tỉnh Yên Bái đi huyện Mù Cang Chải, đáp ứng niềm mong đợi của người dân vùng cao nơi đây. Đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), chia sẻ: Tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mù Cang Chải - Hà Nội từ 7 - 8 tiếng xuống còn 4 - 5 tiếng và kết nối Mù Cang Chải với các tỉnh Đông Bắc bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất, đẩy mạnh giao thương, phát triển du lịch và thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo quy hoạch. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường quốc lộ hiện có, như: Quốc lộ 37, 70, 32, 32C, 2D; quy hoạch mới 2 tuyến Quốc lộ 32D và 3B…

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 trọng điểm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm; công trình chuyển tiếp, công trình hoàn thành trong năm 2024. Tiếp tục huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Hướng dẫn các nhà đầu tư về quy trình, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đẩy mạnh thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các tiềm năng, lợi thế theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. 

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận