Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thái Nguyên: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS và miền núi

Vân Khánh - 20:35, 12/08/2024

Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo, triển khai, nhằm đảm bảo tiến độ nên đã đạt hiệu quả, nhờ đó, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.

Người dân xóm Bản Tèn phát triển kinh tế từ cây sâm
Người dân xóm Bản Tèn phát triển kinh tế từ cây sâm

Xóm Bản Tèn (xã Văn Lang, huyện Đồng Hỷ) có hơn 140 hộ đồng bào Mông sinh sống, với vô vàn những khó khăn. Trước đây, nhắc đến Bản Tèn, người ta nghĩ ngay đến xóm “nhiều không”: Không điện, không đường… cuộc sống của người dân gần như tách biệt với bên ngoài.

Thế nhưng, chỉ vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, xóm Bản Tèn đã có nhiều thay đổi tích cực. Bản Tèn bây giờ đã có đường giao thông từ chân núi lên đến tận trung tâm xóm. Trẻ em trong xóm được học trong điểm trường khang trang, người dân có điện thắp sáng và có nước sạch để sinh hoạt.

Bằng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 và cân đối ngân sách của tỉnh, huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác, huyện Đồng Hỷ đã triển khai xây dựng tuyến đường bê tông xóm Bản Tèn với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông nông thôn loại B; tổng chiều dài tuyến đường là 2,3 km, bề rộng nền đường 5m, mặt đường rộng 3,5m, có hệ thống thoát nước ngang bằng cống hộp, cống tròn, cống bản và hệ thống an toàn giao thông theo quy chuẩn kỹ thuật.

Anh Ngô Văn Chinh, Trưởng xóm Bản Tèn phấn khởi, chia sẻ: “Con đường bao năm đi lại khó khăn, trời mưa không thể đi lại được và vì thế, bà con trong xóm buôn bán cũng khó khăn. Giờ đây có tuyến đường mới, chúng tôi vui lắm, con, cháu đi học yên tâm hơn, không còn lo lắng như trước nữa. Đặc biệt, bà con không còn phải lo lắng về việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ...”.

Người dân xóm Là Khoan, xã Phương Giao tham gia làm đường bê tông hóa.
Người dân xóm Là Khoan, xã Phương Giao tham gia làm đường bê tông hóa

Những ngày này, cùng với xã Văn Lang, nhiều xã vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đang tích cực triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông theo Chương trình MTQG 1719. Nhờ đó, đã có thêm nhiều cây cầu kiên cố bắc qua suối, nhiều con đường bê tông liên thôn, liên xã và đường nội đồng được làm mới, nâng cấp và sửa chữa. Đây thực sự là “chìa khóa”, là động lực phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Như tại huyện vùng cao Võ Nhai, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện đã và đang triển khai được 40 công trình. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, chợ xã, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao. Hay như huyện Định Hóa cũng đã triển khai 37 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Được biết, năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã dành trên 600 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó, tỉnh phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo; giảm 2 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực này và 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố...

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, người dân xóm Cao Biền được sử dụng nguồn nước sạch
Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, người dân xóm Cao Biền được sử dụng nguồn nước sạch

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS với 65 công trình giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, 5 nhà sinh hoạt cộng đồng, 8 công trình trường lớp học, 15 công trình thủy lợi nhỏ được cải tạo, xây mới. Ngoài ra còn duy tu, sửa chữa 56 công trình cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn và xây dựng 1 công trình phục vụ học tập, sinh hoạt cho giáo viên, học sinh.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết những công trình đã hoàn thành đều phát huy hiệu quả. Hiện nay, hàng chục công trình đang tiếp tục được đầu tư xây mới, góp phần làm thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng khó. Đạt được những kết quả đó, tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ kết hợp với phát huy thế mạnh của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ Nhân dân phát triển KT-XH ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

“Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ với mục tiêu đổi thay diện mạo, cải thiện cuộc sống người dân miền núi, vùng cao, vùng DTTS” ông Phan Đức Cường cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.