Giảm nghèo ấn tượng
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2025. Trong đó, tỉnh quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021 - 2025 bình quân trên 4%/năm, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (1 - 1,5%/năm).
Mục tiêu này dựa trên kết quả giảm nghèo đầy ấn tượng của tỉnh Yên Bái trong những năm qua. Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid – 19 cũng như thiệt hại do thiên tai, nhưng toàn tỉnh vẫn giảm 2,28% hộ nghèo so với năm 2020 (chuẩn nghèo giai đoạn (2016 – 2020).
Trước đó, số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (diễn ra ngày 26/11/2021) cho thấy, bình quân mỗi năm, tỉnh Yên Bái giảm được 5,03% hộ nghèo. Riêng tại 2 huyện 30a Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3% (từ 81 xã, còn 59 xã); số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% (từ 462 còn 383 thôn, bản)…
Theo ông Ngô Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, từ sự quan tâm của Trung ương và của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, công tác giảm nghèo của tỉnh đã huy động được một nguồn lực đáng kể để triển khai. Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tỉnh cũng đã huy động được trên 2.800 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động được trên 19.600 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ ngân sách Trung ương là trên 1.200 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án gần 18.400 tỷ đồng.
Theo ông Giang, bên cạnh nguồn lực thì việc xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời được coi là giải pháp căn cơ. Từ đó, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, tạo đà để hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, bứt phá vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử, hộ gia đình chị Hoàng Thị Hạnh ở xã Đại Đồng (huyện Yên Bình) là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Năm 2020, chị được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Vay thêm tiền từ người thân, chị Hạnh đã mạnh dạn triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt. Đến nay, gia đình chị Hạnh đã thoát nghèo, kinh tế được cải thiện, có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm xe máy, đồ dùng sinh hoạt...
Hay hộ gia đình anh Hoàng Trung Dũng ở xã Y Can (huyện Trấn Yên) được hỗ trợ học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ vốn kiến thức nắm bắt được qua lớp tập huấn, lại có đất vườn rộng, anh Dũng đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để đầu tư mua gà giống về nuôi. Mỗi lứa, anh Dũng nuôi 400 con, mỗi năm bán 2 lứa gà, trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, năm 2021, gia đình anh Dũng đã thoát nghèo.
Tăng tốc xây dựng nông thôn mới
Khi kinh tế gia đình đã được cải thiện, Nhân dân tỉnh Yên Bái đã có thêm điều kiện để đóng góp cùng địa phương đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính trong năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được trên 171 tỷ đồng từ cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, với người dân khu vực nông thôn, dù mảnh vườn, thửa ruộng là tài sản quý giá nhưng cũng đã tình nguyện hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng để cùng địa phương hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tạo nên bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp.
Có thể kể đến điểm sáng xã Minh Quán, huyện Trấn Yên. Dẫu chưa phải là một xã giàu, nhưng trong những năm qua, xã Minh Quán đã có 104 hộ tự nguyện hiến đất để phát triển giao thông nông thôn, với diện tích trên 50.000 m2.
Điển hình là gia đình bà Trần Thị Thu, ở thôn 3, đã hiến trên 4.787 m2 đất đồi đã trồng quế hơn 5 năm tuổi để xây dựng sân thể thao xã Minh Quán. Theo bà Thu, với việc xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn thì, gia đình sẵn sàng tự nguyện hiến đất vì cái chung, vì lợi ích của thôn, của xã, của đất nước.
Cũng có cùng suy nghĩ như bà Thu, nên hàng nghìn hộ dân ở huyện Trấn Yên đã góp công, góp của cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Trấn Yên đã trở thành huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2020. Huyện đang quyết tâm “về đích” nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Theo ông Giàng A Câu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2021, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã đóng góp được trên 5,3 tỷ đồng, hiến trên 187.000 m2 đất, gần 102.500 ngày công lao động; tham gia làm mới, tu sửa, nâng cấp, kiên cố hóa trên 384 km đường giao thông liên thôn, bản…
Với quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp Nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả khả quan. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 58,7% số xã toàn tỉnh, trong đó có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nôgn thôn mới kiểu mẫu; có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 21/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động tối đa nguồn lực, lồng ghép, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình cách làm hay để phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu.