Hầu hết tàu thuyền không có tủ thuốcMỗi năm tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có hơn 22.000 lượt tàu thuyền ra vào. Số tàu thuyền này đến từ khắp các tỉnh từ Nam Định đến Bình Định, Quảng Ngãi... mỗi tàu có từ 7 đến 10 thuyền viên. Chỉ có hai tàu cá công suất lớn là Triệu Vy 09-96709 và tàu Thành Đạt 08-96708 của Hà Tĩnh được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ tại cảng cá này là được trang bị tủ thuốc y tế, còn tất cả các tàu thuyền đều không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ.
Ông Nguyễn Hồng Nhật (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa có tàu cập cảng Cửa Sót cho biết, tàu của ông có công suất 200CV nhưng không có tủ thuốc. Thực tế ông có mua một số ít loại thuốc như cảm cúm, đau đầu, đau bụng bỏ trong túi để đề phòng mà thôi. Nếu như lỡ có ai bị thương, sứt tay chảy máu thì với kinh nghiệm và thói quen của người dân từ xưa tới giờ, sẽ lấy mảnh vải quần áo quấn lại để cầm máu rồi vết thương tự lành nhưng nhiều khi cũng bị hoại tử. Chỉ khi nào nặng quá thì mới vào bờ hoặc liên hệ với đất liền nhờ cứu hộ.
Tất nhiên, theo ông Nhật, nếu như có tủ thuốc với đầy đủ thuốc sát trùng, băng để băng bó vết thương… thì sẽ đảm bảo hơn. Nhưng bao nhiêu năm người dân không có cũng đã quen. Tàu của ông công suất đã khá lớn còn không có, thì những tàu nhỏ hơn lại càng ít quan tâm.
Tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có tất cả 241 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 25 chiếc trên 90CV thường xuyên đánh bắt dài ngày. Địa phương cũng quan tâm tổ chức tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn trên biển như trang bị áo phao, thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị y tế và tủ thuốc trên tàu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Lê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng, dù được tuyên truyền vận động nhưng người dân chưa thực sự quan tâm.
Cần quan tâm hơn nữaToàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 6.000 tàu thuyền các loại, hầu hết đều không có tủ thuốc y tế mà người dân tự mua những loại thuốc cơ bản quen thuộc theo kinh nghiệm của mình.
Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho rằng, thực tế nhiều người dân vẫn quan tâm đến vấn đề này. Theo ông, dù con tàu có lớn đến bao nhiêu thì khi trên biển cũng chỉ như chiếc lá tre giữa mênh mông sóng gió, luôn gặp nhiều hiểm nguy và tai nạn. Đặc biệt những lúc thời tiết xấu, sóng lớn thì thể trạng và sức khỏe con người khó đáp ứng được. Hay những khi bị tai nạn nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm nếu chưa kịp về đến đất liền.
“Tuy nhiên, để người dân có nhận thức và hiểu biết cao hơn về vấn đề này thì cần sự quan tâm, vào cuộc của ngành y tế nói riêng và các cấp chính quyền hơn nữa. Hiện tại, các cuộc tuyên truyền, vận động về y tế trên tàu thuyền cũng có nhưng rất ít, và nếu có thì còn rất hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, “chưa thực sự đi vào lòng dân”. Và vì nhận thức của nhiều ngư dân còn hạn chế, nên nếu có tổ chức thì nhiều người lại không muốn đi hoặc đùn đẩy sang cho vợ, con để đi cho có”, ông Hải nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng hiện chính sách của Nhà nước về vấn đề y tế trên tàu thuyền vẫn còn rất hạn chế. Riêng các tàu lớn thì đã có chính sách bắt buộc về việc phải có nhân viên y tế, còn đối với tàu nhỏ, người dân vẫn tự lo cho mình là chủ yếu. “Nếu như có nhiều chính sách cụ thể của Nhà nước quan tâm về vấn đề này hơn nữa thì y tế cơ sở sẽ có nhiều điều kiện để thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe trên biển”, ông Lự cho biết.
VĂN ĐÔNG - MAI NGUYỄN