Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ý nghĩa của đánh trống đất trong Nghi lễ cầu mưa của người Co

Sơn Gia Phúc - 08:29, 09/06/2023

Từ xa xưa, người Co có nhiều phong tục, tập quán dân gian thông qua các lễ hội cộng đồng. Một hoạt động dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Co là làm trống đất để thực hiện trong Nghi lễ cầu mưa, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, mong ước cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống của người dân được an lành, yên vui, ấm no, hạnh phúc. Mỗi chiếc trống đất mang ý nghĩa đại diện cho một vị thần

Người Cor gói bánh chuẩn bị Nghi lễ Cầu mưa.
Người Co gói bánh chuẩn bị Nghi lễ cầu mưa

Huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Co. Từ xa xưa, người Co cũng đã nhận thức được, nguồn nước có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống hằng ngày, là yếu tố sống còn cho sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng. Người Co theo tín ngưỡng đa thần, năm nào trời hạn hán, đồng bào lại tổ chức làm trống đất và thực hiện Nghi lễ cầu mưa, nhằm cầu nguyện các vị thần mang mưa xuống tưới tắm cho cây cối, mang nguồn nước đến cho con người. Vì vậy, trước khi tiến hành nghi lễ, những già làng có uy tín tìm những thế đất rộng, bằng phẳng để chọn làm nơi đặt trống đất và tổ chức nghi lễ.

Những người đàn ông dân tộc Cor chuẩn bị các lễ vật để thực hiện Nghi lễ Cầu mưa.
Những người đàn ông dân tộc Co chuẩn bị các lễ vật để thực hiện Nghi lễ cầu mưa

Già làng Phạm Lâm (75 tuổi) ở thôn 1, xã Trà Kót cho biết: Hằng năm, vào tháng 5, tháng 6 Âm lịch, sau khi dọn sạch rẫy cũ hoặc khai hoang rẫy mới và việc gieo trồng của mùa vụ trong năm đã xong, người Cor sẽ tổ chức làm trống đất và tiến hành Nghi lễ cầu mưa. 

Người Co tin rằng, trống đất rất linh thiêng, Nghi lễ cầu mưa sẽ mang những lời cầu nguyện của dân làng đến 5 vị thần: Thần Trời, thần Mây, thần Mưa, thần Đất và thần Người, sớm ban mưa cho mọi vật được sinh sôi, xanh tốt, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Đồng bào Cor tái hiện Nghi lễ Cầu mưa ngoài trời.
Đồng bào Co tái hiện Nghi lễ cầu mưa

Trống đất được làm bằng mo cau để trên 5 miệng lỗ đào dưới đất. Mỗi lỗ có bề ngang, bề dài, độ sâu vào khoảng một gang tay (khoảng hơn 20 cm), có dạng hình chum trên một mặt đất phẳng. Mỗi lỗ cách nhau cũng chừng một gang tay và xếp thành hai hàng, hàng trước 2 lỗ, hàng sau 3 lỗ.

Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre, sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, cũng như đường kính và chiều rộng, chiều sâu của hố đất. Độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống.

Thầy cúng cùng những vị già làng uy tín tái hiện Nghi lễ cầu mưa trên sân khấu.
Thầy cúng cùng những vị già làng uy tín tái hiện Nghi lễ cầu mưa trên sân khấu

Để Nghi lễ Cầu mưa diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, già làng và thầy cúng họp bàn với bà con dân làng, thống nhất việc chọn ngày lành tháng tốt, cùng các khoản đóng góp lễ vật, cách thức tổ chức nghi lễ. Trong nghi lễ, nhất thiết phải có cây nêu tượng trưng cho tấm lòng người Co. Đây là trung tâm để thực hiện nghi lễ ngoài trời ở giữa làng.

Mở đầu nghi lễ, những già làng uy tín mặc trang phục truyền thống đứng ra làm chủ lễ, trong đó một già làng khấn chính. Thầy cúng dẫn đoàn người trong làng ra làm lễ cúng thần Thổ địa và thần Nước. Lễ cúng được tổ chức vào giữa trưa. Lễ vật cúng trong Nghi lễ cầu mưa gồm: mâm trầu cau, rượu, gạo, 1 con gà luộc, 1 con gà trống tơ và sản vật khô là nhím hoặc sóc (hiện nay đã được thay thế bằng con vật nuôi khác).

Người Cor gõ trống đất trong Nghi lễ Cầu mưa. Mỗi chiếc trống đất mang ý nghĩa đại diện cho một vị thần
Người Co gõ trống đất trong Nghi lễ cầu mưa. 5 chiếc trống đất đại diện cho 5 vị thần là: Trời, Mây, Mưa, Đất và thần Người

Khi âm thanh của chiêng trống đồng loạt nổi lên, già làng thực hiện nghi lễ cúng trong nhà, sau đó tiến hành cúng ngoài trời. Lúc trời có sấm sét, thầy cúng nâng con gà trống đã luộc chín cùng các già làng ngồi khấn gửi lên các vị thần linh.

Tạm dịch: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người Co có mâm lễ xin dâng lên thần Trời, thần Mây, thần Mưa, thần Đất, thần Người, thần Sông, thần Núi, thần Thổ địa, tổ tiên ông bà về thụ hưởng đồ lễ của bà con trong làng. Hỡi ông thần Người kêu ông thần Đất, ông thần Đất gọi cho ông thần Trời, ông thần Trời gọi cho ông thần Mây để ông thần Mây gọi ông thần Mưa cứu loài người trên trần gian này đang khát nước. Thần Mây, thần Mưa hãy mau đổ nước xuống để cây lúa trên rẫy nẩy mầm. Hãy phù hộ đổ mưa xuống cho nguồn nước các khe, các suối chảy về để người Co có nước uống, sinh hoạt nấu nướng; cho cây sắn, cây lúa, cấy bắp lên xanh tốt, mùa màng được bội thu. Hãy phù hộ không cho xảy ra lũ lụt, xói mòn, thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của bà con trong làng".

Đồng bào Cor đấu chiêng trong phần hội của Nghi lễ cầu mưa
Đồng bào Co đấu chiêng trong phần hội của Nghi lễ cầu mưa

Sau mỗi câu khấn cầu mưa xuống, già làng hoặc một người đàn ông của làng sẽ gõ trống đất 1 lần. Đối với các trống đất đại diện cho các vị thần Trời, Mây, Mưa, thì gõ 7 tiếng; riêng trống thần Người phải gõ 9 tiếng. Cứ thế, người Co thực hiện đánh trống đất và thực hiện Nghi lễ cầu mưa cho tới khi trời chuyển dông báo hiệu sắp có mưa thì mới thôi.

Tiếp theo phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Nam nữ thanh niên trong trang phục truyền thống nhịp nhàng trong điệu múa ka đấu. Nghi lễ cầu mưa cũng là ngày hội đoàn kết của cộng đồng người Co, đưa mọi người đến gần nhau hơn, bà con gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe để chung sức xây dựng quê hương và phát triển cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.