Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Y Nghen đã về nước và đoàn tụ với gia đình

Ngọc Chí - 21:26, 07/05/2024

Sau khi Báo Dân tộc và Phát triển có loạt bài phản ánh “Y Nghen và những giọt nước mắt nơi xứ người”, đến nay, chị Y Nghen (thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã được về nước trong niềm vui mừng của các thành viên trong gia đình.

Những giọt nước mắt đoàn viên

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, với đôi mắt ngấn lệ, chị Y Nghen bày tỏ vui mừng khi được trở về quê nhà, đoàn tụ với gia đình sau bao năm lưu lạc nơi xứ người.

Chị Y Nghen kể: Một thời gian dài tôi phải ở tại Trung tâm bảo trợ xã hội Sakan, thành phố Riyadh, Ả Rập Xê Út do mất hết giấy tờ tùy thân. Sau đó được nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út hỗ trợ làm lại hộ chiếu, hỗ trợ vé máy bay và đưa ra sân bay để về nước. Sau 3 chặng bay thì về đến Tp. Hà Nội. Lúc đó trong túi không còn tiền. Tôi gọi về người hàng xóm để được hỗ trợ mua vé xe khách từ Tp. Hà Nội về tỉnh Kon Tum.

Chị Y Nghen (ngồi giữa) kể với phóng viên về hành trành hơn 7 năm xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út
Chị Y Nghen (ngồi giữa) kể với phóng viên về hành trành hơn 7 năm xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út

Chị Y Hlong, thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà ở gần nhà chị Y Nghen cho biết: Khi tôi nhận được cuộc gọi của chị Y Nghen qua ứng dụng Messenger và được biết chị đã về đến Tp. Hà Nội tôi rất vui. Khi đó chị Y Nghen bảo không còn tiền mua vé xe, tôi đã nhờ tài xế xe khách tại Tp. Hà Nội cho số tài khoản ngân hàng và tôi chuyển khoản 800.000 đồng mua vé để chị Y Nghen về. Thực sự nghe tin chị Y Nghen về tôi rất vui vì chị ấy cũng đi hơn 7 năm rồi và cũng biết chị rất khổ sở nơi xứ người.

Hơn 7 năm xa cách, với bao khó khăn, vất vả, giờ đây chị Y Nghen được trở về quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương của gia đình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị Y Nghen và các thành viên trong gia đình lúc này.

Giờ đây chị Y Nghen có thời gian để nấu cơm, chăm lo cho các con ăn học
Giờ đây chị Y Nghen có thời gian để nấu cơm, chăm lo cho các con ăn học

Em Y Thẻ, con của chị Y Nhen chia sẻ: Mấy năm nay con chưa được gặp mẹ, giờ mẹ về con vui lắm. Có mẹ chăm lo để cho con an tâm đi học.

Bà Y Bói, mẹ chị Y Nghen vui mừng cho biết: Khi con gái về tôi vui lắm, thấy con còn lành lặn là không sao rồi. Khó khăn, vất vả bao năm giờ về với người thân thì ai cũng vui. Giờ cũng mong con gái ổn định tư tưởng, đi làm để có tiền lo cho các con.

Với sự vào cuộc của Báo Dân tộc và Phát triển, cùng sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, nguyện vọng của chị Y Nghen và người thân trong gia đình đã trở thành hiện thực. Y Nghen đã được đoàn tụ với gia đình và các con của chị giờ đây đã được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Những ký ức buồn nơi xứ người

Khi được hỏi về những ngày tháng xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, chị Y Nghen cho rằng đó là những ký ức buồn và sẽ khó mà quên đi. Bởi chị đã nếm trải những khổ cực, đớn đau của cuộc sống nơi xứ người.

Chị Y Nghen nhớ lại: Khi mới qua làm việc cho chủ nhà đầu tiên thì được trả lương, khoảng vài tháng thì chủ nhà không cho làm nữa và chuyển đến làm cho một chủ nhà khác. Công việc chính là vệ sinh nhà cửa, làm việc từ sáng đến tối, nhiều lúc còn bị đánh đập vì làm không được theo như ý muốn của chủ nhà. Nhưng tiền lương thì không trả. Sau đó lại chuyển tiếp đến rất nhiều chủ nhà khác, cứ như thế làm việc nhưng không có tiền lương.

Những ngày tháng lao động tại Ả Rập Xê Út đối với chị Y Nghen đó là những ký ức buồn
Những ngày tháng lao động tại Ả Rập Xê Út đối với chị Y Nghen đó là những ký ức buồn

Thấy quá khó khăn và không được trả lương, tôi thường xuyên liên hệ với nhân viên của Công ty Colecto tại Việt Nam qua điện thoại thì nhân viên bảo sao cứ gọi miết. Sau đó thì tôi không liên lạc nữa – chị Y Nghen cho biết thêm.

Trải qua nhiều chủ nhà khác nhau, đến chủ nhà cuối cùng chị Y Nghen làm việc được khoảng 9 tháng, nhưng họ chỉ trả tiền lương sau khi quy đổi ra tiền Việt Nam được hơn 18 triệu đồng. Sau đó, chủ nhà không cho làm nữa và đã đưa chị đến ở tại Trung tâm bảo trợ xã hội Sakan, thành phố Riyadh, Ả Rập Xê Út.

Chị Y Nghen cho biết: Khi đến ở tại Trung tâm bảo trợ xã hội Sakan thì có rất nhiều người ở đây, do ăn uống không hợp nên số tiền đó tôi dùng để mua bánh, nước ngọt sử dụng. Sau hơn 3 tháng thì số tiền đó cũng hết và khi về đến nhà thì chỉ hai bàn tay trắng.

Chi Y Nghe, em ruột chị Y Nghen chia sẻ: Chị gái đi xuất khẩu lao động hơn 7 năm, công việc rất khổ sở mà chủ còn không trả tiền lương, giờ về nước không có tiền để chăm lo cho các con. Giờ cũng mong muốn các cơ quan chức năng giúp để chị gái tôi có thể đòi lại được khoản tiền lương.

Sau khi chị Y Nghen về nước, chính quyền xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà đã đến thăm hỏi và chỉ đạo cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp để động viên, hỗ trợ cho chị Y Nghen phát triển kinh tế.

Lãnh đạo UBND xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà đến thăm hỏi gia đình chị Y Nghen
Lãnh đạo UBND xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà đến thăm hỏi gia đình chị Y Nghen

Bà Phạm Thị Mây, Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà cho biết: Đối với chính quyền xã sẽ tiếp tục rà soát để có phương án hỗ trợ cho chị Y Nghen trong thời gian tới. Đồng thời, xã cũng mong muốn các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Colecto đưa lao động Y Nghen đi xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm đòi lại số tiền lương cho lao động Y Nghen.

Tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út với mức tiền lương cam kết khoảng 9 triệu đồng/tháng, chị Y Nghen kỳ vọng sẽ có được số tiền tích lũy để sau này chăm lo cho gia đình. Thế nhưng, hơn 7 năm lưu lạc nơi xứ người và trải qua bao khổ cực, chị Y Nghen không nhận được tiền lương như cam kết và về nước với hai bàn tay trắng. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của chị Y Nghen và gia đình lúc này là các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum tiếp tục làm việc với Công ty Colecto để giải quyết đầy đủ những quyền lợi chính đáng của lao động Y Nghen. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.