Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giảm thiểu tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, cư trú bất hợp pháp; kịp thời phối hợp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý lao động hết thời hạn về nước hoặc về nước trước thời hạn, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn, tham gia đào tạo nghề và các chính sách khác theo quy định. Đồng thời, tiến hành rà soát danh sách các lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã hết hợp đồng nhưng chưa về nước để phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội của địa phương tuyên truyền, tư vấn cho gia đình người lao động để liên lạc, vận động người lao động đã hết hạn hợp đồng lao động, cư trú bất hợp pháp về nước nhằm tránh các nguy cơ, rủi ro mà người lao động phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp.
UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Thông tin đầy đủ các quy định của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động biết, tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
Thường xuyên theo dõi, phối hợp với Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), các công ty có liên quan kịp thời hỗ trợ, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định; trong đó, lưu ý sớm phối hợp đưa 2 lao động của tỉnh đang gặp khó khăn về nước (lao động Y Nghen, thôn Kon Sơ Tiu, xã NgọK Réo, huyện Đăk Hà; Y Tha, thôn Đăk Lúp, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông).
Trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển có loạt tin, bài phản ánh “Y Nghen và những giọt nước mắt nơi xứ người”. Cụ thể: Tháng 9/2017, chị Y Nghen được Công ty Colecto đưa đi xuất khẩu lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út, làm giúp việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng 7 năm lưu lạc nơi xứ người, chị Y Nghen không nhận được tiền lương như cam kết và cũng không biết khi nào có thể được về nước do mất hết giấy tờ tùy thân. Ở quê nhà thì 7 đứa con phải sống trong cảnh khổ sở và đang ngóng trông mẹ về từng ngày.