Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ý kiến của cử tri về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG

Nhóm PV - 20:00, 01/11/2023

Ngày 30/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường
Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường

Theo dõi phiên thảo luận qua truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri vùng đồng bào DTTS và miền núi nhận xét, phiên thảo luận sáng 30/10 tạo được không khí cởi mở, dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và Đại biểu Quốc hội. Các đại biểu tham gia tranh luận thẳng thắn, đúng và trúng những vấn đề cử tri quan tâm.

Qua báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG cử tri cả nước đã nắm được những kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Báo Dân tộc và Phát triển xin trích lược một số ý kiến của cử tri và cán bộ địa phương về kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Nguyễn Tuấn Lợi - xã Vạn Hòa, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Ông Nguyễn Tuấn Lợi
Ông Nguyễn Tuấn Lợi

Là một cán bộ đã nghỉ hưu sinh sống ở tỉnh miền núi Lào Cai, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi thấy ngày càng có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong đó có 3 Chương trình MTQG là: Xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, vừa qua tôi theo dõi báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đối với 3 chương trình MTQG này, thì thấy còn nhiều khó khăn, tồn tại trong triển khai. Riêng đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...”. Hiện nay, việc triển khai cũng còn những khó khăn, tồn tại như: Việc chỉ đạo, điều hành còn bất cập, chưa được kiện toàn, đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau; kết quả giải ngân đạt thấp…

Tôi thấy rằng, nguồn lực từ các chương trình MTQG này là vô cùng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tôi rất mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để các nguồn vốn này được triển khai đúng kế hoạch đề ra.

Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

Bà Hồ Thị Lệ Hà
Bà Hồ Thị Lệ Hà

Với tư cách là một cử tri, một cán bộ làm công tác dân tộc, tôi nhận thấy sự quyết tâm cao của Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành và đặc biệt là quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế của Trung ương đến thực tế tại địa phương.

Trong thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Muốn làm được điều đó, hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương phải rõ ràng, đồng bộ. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và bổ sung hướng dẫn đầy đủ, đồng bộ để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào DTTS hiểu đúng, hiểu đủ về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình trong từng dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để từ đó tạo sự đồng thuận và huy động được sức mạnh nội tại trong vùng DTTS và miền núi để Chương trình thắng lợi toàn diện.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm cao. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành và Chính phủ, tôi tin Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Quảng Trị sẽ thành công như mong đợi.

Bà H’Loan Uông - Chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

Bà H’Loan Uông
Bà H’Loan Uông

Xã Yang Tao là địa phương có tới 96% đồng bào dân tộc Mnông sinh sống. Hiện toàn xã có 31,28% hộ nghèo, 30,37% hộ cận nghèo.

Các chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Năm 2022, các địa phương đã được phân bổ vốn Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc, văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên không thể giải ngân nguồn vốn thực hiện các dự án của Chương trình. Sang năm 2023, đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn từ quy trình đến định mức, các địa phương thực hiện giải ngân một số dự án thuận lợi hơn.

Đến nay, tình hình giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã dễ dàng hơn. Hiện, xã Yang Tao đã giải ngân Công trình thủy lợi nâng cấp kiên cố kênh N2 trạm bơm Buôn Cuôr, hỗ trợ 4 hộ chuyển đổi nghề và một số nội dung đã hoàn thành việc rà soát, bình xét trên cở sở nguồn vốn được phân bổ và đang chờ cấp trên quyệt như hỗ trợ nhà ở cho 8 hộ, hỗ trợ bò… Dự kiến năm 2023, xã Yang Tao giải ngân được khoảng 90% nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 của năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Trong 2 ngày (19 và 20/11), tại huyện Ia Grai (Gia Lai), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể” và “Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng”.