Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Đoàn giám sát đã làm việc nỗ lực, trách nhiệm, thực chất, chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát; đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các Đại biểu Quốc hội nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Về tình hình chung, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, so với khi báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.
Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền.
Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để "trộn" 3 Chương trình MTQG về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.
Về tỷ lệ vốn Trung ương - địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.
Về việc chuyển vốn, khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay, tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng 1 năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31/12/2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.
Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.