Vững chắc vùng phên giậu
Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 71 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đắk Lắk đã tạo được niềm tin với dân; tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, từ đó bà con Nhân dân các xã biên giới đã đồng lòng chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Hiện nay, trên địa bàn 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk gồm 38 thôn, buôn và 489 hộ gia đình, 1.569 cá nhân trên khu vực biên giới đã tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 71,972 km đường biên và 7 cột mốc biên giới.
Là Người có uy tín của Buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), già làng Y Mosk Hra không nhớ nổi mình đã cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP đi tuần tra biên giới bao nhiêu lần. Ông chỉ biết rằng, hầu như những cánh rừng, ngọn đồi trong biên giới ông nhớ tường tận.
“Mỗi lần đi tuần tra biên giới, đến bên các cột mốc biên giới, già làng đều muốn tận tay mình lên lau chùi cẩn thận từng cột mốc và được chụp ảnh cùng với cột mốc biên giới. Những bức ảnh chụp bên cột mốc này là minh chứng để sau những lần tuần tra trở về buôn làng, già sẽ đem ra tuyên truyền bà con, thuyết phục bà con tốt hơn”, già làng Y Mosk Hra chia sẻ.
Đại tá Đỗ Quang Thấm - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; dựa vào dân, dân là gốc, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống” sự gắn kết giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân khu vực biên giới góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, thuộc BĐBP tỉnh Quảng Ninh. Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 43 km đường biên với 41 mốc giới, 68 cột mốc thuộc 6 xã. Trên địa bàn đơn vị quản lý có Cửa khẩu Hoành Mô, điểm thông quan Đồng Văn, 3 lối mở xuất hàng hóa (theo quyết định của UBND tỉnh). Trên tuyến biên giới có nhiều đường mòn, lối mở tự phát của người dân. Dân cư trên địa bàn chủ yếu là người DTTS, trình độ còn hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới...
Những năm qua, "Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, khu vực biên giới" trên địa bàn huyện Bình Liêu phát triển mạnh mẽ. Đây vừa là cầu nối khăng khít giữa BĐBP với Nhân dân các dân tộc vùng biên, vừa góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho thôn, bản khu vực biên giới phát triển kinh tế xã hội, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trung tá Tẩy Văn Thái - Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Hoành Mô cho biết: Xuất phát từ đặc thù địa bàn đơn vị phụ trách, những năm qua, Đồn quan tâm làm tốt công tác phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Gần 63 năm thành lập, từ ĐBP 209 đến nay là ĐBP Pò Hèn (thuộc BĐBP tỉnh Quảng Ninh), đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều Huân chương, Bằng khen khác.
Theo Thượng tá Tạ Viết Phong - Chính trị viên ĐBP Pò Hèn, truyền thống quý báu đó là nền tảng để cán bộ, chiến sĩ luôn phấn đấu tiếp nối, kế tục sự nghiệp của thế hệ cha anh. “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi luôn xác định tư tưởng và trách nhiệm, tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, đoàn kết gắn bó với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc địa phương, khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Thượng tá Tạ Viết Phong nhấn mạnh.
Với người Dao, Sán Chỉ, Kinh ở Pò Hèn, xã Hải Sơn, Tp. Móng cái (Quảng Ninh), ý thức về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia luôn hiện hữu và ngày càng được bồi đắp sâu sắc hơn qua công tác tuyên truyền, vận động của những người lính quân hàm xanh. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, bà con không chỉ ký cam kết không vượt biên trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật, mà còn tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc, phối hợp tuần tra, kiểm soát, giữ an ninh trật tự dọc 12 km biên giới, 11 cột mốc với địa hình khó khăn, phức tạp.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pò Hèn, Tổ trưởng Tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc của thôn Nguyễn Thị Xuân chia sẻ: Sinh sống tại khu vực biên giới, tôi luôn xác định phải có trách nhiệm tham gia cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ an ninh trật tự. Do đó, tôi cũng như bà con nơi đây luôn nêu cao trách nhiệm, thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, các lực lượng để tham gia tuần tra đường biên, mốc giới. Các thành viên trong tổ tự quản luôn nhắc nhở bà con phải có trách nhiệm với bản, với biên giới, không phát rừng, xâm phạm vào đường biên giới. Nếu phát hiện người lạ vào khu vực biên giới, phải báo ngay với chính quyền địa phương và BĐBP để kịp thời xử lý.
Thắm tình quân dân nơi biển đảo
ĐBP Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Hải đội 2 là đơn vị cơ động chiến đấu được cấp trên giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, an ninh vùng biển của tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh nhiệm vụ được giao, Hải đội 2, BĐBP tỉnh còn tích cực tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo cho ngư dân. Qua đó, góp phần hiệu quả giúp đơn vị tăng cường củng cố thế trận lòng dân, huy động được sức dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với nhiệm vụ đó, trong quá trình thực hiện, đơn vị gặp không ít khó khăn. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Hải đội 2 xác định phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, lòng dũng cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trong các nội dung, giải pháp đề ra, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với lời dạy của Bác đối với BĐBP, là vấn đề trọng tâm nhất, tạo động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực phấn đấu, rèn luyện và làm theo với quyết tâm cao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hiệu thuộc Hải đội 2, đã trực tiếp tham gia cứu nạn được 5 vụ/5 phương tiện/31 thuyền viên gặp nạn trên biển, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện, góp phần để bà con ngư dân yên tâm bám biển. Sự tận tụy, hết mình với nhiệm vụ, trách nhiệm với Nhân dân của anh đã tạo “hiệu quả kép”, vừa xây dựng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” sáng đẹp trong lòng dân, vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các Hiệp định, Công ước quốc tế; góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân vững chắc.
Trung tá Lê Quang Chiểu, Chính trị viên Hải đội 2, BĐBP Quảng Ninh cho biết, năm qua đơn vị đã kịp thời tuyên truyền được 450 lượt ngư dân tham gia nghe, vận động ngư dân chấp hành, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, cấp phát 450 tờ rơi Luật Biên phòng Việt Nam; tuyên truyền các nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 và Luật Cảnh sát Biển Việt Nam năm 2018 cho 300 ngư dân khu vực ven biển Tp. Hạ Long; tặng 150 cờ Tổ quốc, 100 áo phao, 50 phao tròn và 50 suất quà (mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng)…
Nhớ lại một trong những kỷ niệm thắm tình quân dân, hỗ trợ đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, Trung tá Lê Quang Chiểu cho biết: Phụ nữ đi biển thường có nhiều hạn chế, 10 tàu chỉ có 3 - 4 tàu có phụ nữ. Đơn vị đã hỗ trợ những tàu này bằng cách bảo đảm an toàn, an ninh trên biển. Năm 2022, đơn vị đã tặng 300 suất quà, mỗi suất quà từ 300 - 500 nghìn đồng nhu yếu phẩm cho các ngư dân, nhất là đối với các phương tiện có phụ nữ đi theo.
Cùng Nhân dân “canh cửa” cho Tổ quốc
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến biển, đảo và dành nhiều tình cảm cho Nhân dân vùng biển đảo và lực lượng Vũ trang nhân dân bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. Sự quan tâm và tình cảm đó được thể hiện qua hàng trăm bức thư, bài viết và những lần nói chuyện với quân dân vùng biển khi Người đến thăm. Những lời căn dặn của Bác vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay
Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, từ năm 2009, BĐBP tỉnh Quảng Trị đã sáng tạo mô hình “Ban tự quản tàu thuyền”, nay là “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Đây là mô hình gắn bó giữa BĐBP và ngư dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Trung úy Lưu Văn Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng - ĐBP Cửa khẩu Cảng Cửa Việt cho biết, toàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã thành lập được 13 “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, với 352 tàu thuyền và 808 thuyền viên tham gia. Nhiệm vụ của các Tổ tự quản là vừa đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền đất nước, vừa cung cấp thông tin cho ĐBP Cửa khẩu Cảng Cửa Việt và bất cứ ĐBP nào gần khu vực đang đánh bắt nhất về tình hình trên biển, nhất là tình trạng tàu lạ xâm phạm trái phép hải phận Việt Nam.
Theo Trung tá Nguyễn Duy Phương - Phó Đồn trưởng ĐBP Cửa khẩu Cảng Cửa Việt, tin tức do ngư dân báo rất quan trọng, giúp Đồn phân tích, đánh giá đúng tình hình trên biển. Ví dụ nếu ngư dân ta phát hiện tàu lạ đi rải lưới mà có tàu Hải quân đằng sau, hoặc ngư dân tàu lạ ăn mặc giống hệt nhau, lại có vũ khí thì phải hết sức cảnh giác. Từ tin tức của bà con báo về, Đồn báo cáo kịp thời với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy báo cáo tiếp lên Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng để có phương án xử lý phù hợp.
Nhớ lời Bác dạy, được BĐBP tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, ông Bùi Đình Sành, một trong những Tổ trưởng của “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” khẳng định: “Chúng tôi luôn ý thức sâu sắc về quyền, nghĩa vụ của mỗi người công dân là phải tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Nếu không bảo vệ được chủ quyền quốc gia trên biển thì mình cũng chẳng có ngư trường mà đánh bắt hải sản”.
Đến nay, mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” ở Cửa Việt vẫn được phát huy và tiếp tục được nhân rộng. Đó là mô hình mà mối quan hệ quân - dân gắn bó giữa BĐBP và ngư dân, thể hiện rõ nét nhất trong một mục tiêu chung là vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.