Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xuất ngoại học nghề nông

PV - 12:50, 30/01/2018

Việc đưa nông dân đi học nghề nông ở các nước có nền nông nghiệp tiên tiến không còn là chuyện hiếm ở nhiều địa phương. Từ những chuyến đi bổ ích đó, nhiều nông dân khi về nước đã thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là nền tảng để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2015, anh Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có cơ hội sang Đức để học hỏi về chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp khép kín. Thấy hiệu quả, năm 2016, anh tiếp tục sang Hà Lan để tìm hiểu về phương pháp, kỹ thuật mới trong giết mổ, chế biến... Nhờ những chuyến thăm quan, học tập đó, anh Long đã chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn, khép kín từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến và chủ động xây dựng thị trường, thay vì phụ thuộc các thương lái đến thu gom như trước đây.

Trong chuyến đi Hà Lan vào tháng 8/2016, anh Long cũng học hỏi được rất nhiều về kỹ thuật giết mổ, chế biến và nhất là kỹ thuật cấp đông bảo quản thịt lợn. Trở về nước, anh mạnh dạn đầu tư hệ thống giết mổ, chế biến và bảo quản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến cuối năm 2016, chuỗi thịt lợn sinh học A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long đã chủ động được từ con giống, thức ăn, đến giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Cũng giống như anh Long, anh Đặng Đình Tiên chủ trang trại gà Tiên Viên (ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong số những nông dân chịu khó học làm nghề nông tại các nước tiên tiến. Hơn 20 năm gắn bó với chăn nuôi là chừng ấy năm anh tự mày mò học hỏi cách thức sản xuất... Đặc biệt, 5 năm gần đây, anh Tiên thay đổi hoàn toàn hệ thống chăn nuôi truyền thống của trang trại sang phương pháp chăn nuôi hiện đại. Sự quyết đoán này xuất phát từ những chuyến học tập mô hình chăn nuôi gà ở các nước. Là một nông dân giỏi nghề, lại được học tập, tiếp cận với các tập đoàn, các đơn vị chăn nuôi hàng đầu của các nước đã giúp anh Tiên trở thành chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực chăn nuôi gà tiên tiến. Đến nay, hầu hết các loại gà giống của trang trại gà Tiên Viên đều được thụ tinh trong ống nghiệm, bảo đảm 100% gà mái. Trứng gà Tiên Viên trước khi đưa ra thị trường đều được sát khuẩn, đóng gói và in thương hiệu Tiên Viên để tránh bị lẫn với các loại trứng thường...

Trang trại gà Tiên Viên hiện là nơi đào tạo nghề cho nhiều nông dân. Trang trại gà Tiên Viên hiện là nơi đào tạo nghề cho nhiều nông dân.

 

Đánh giá về các chương trình học tập nghề nông của các nước tiên tiến, nhiều nông dân ở Hà Nội từng được đi học tập nhận định, đây là chương trình bổ ích và thiết thực.

Anh Nguyễn Trọng Long, Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long chia sẻ: “Hiện kinh phí học tập, ngoài một phần Nhà nước hỗ trợ theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, còn lại nhiều nông dân đều sẵn sàng đầu tư kinh phí cho chuyến học tập. Điều quan trọng là các đơn vị tổ chức hỗ trợ xây dựng chương trình và giúp nông dân tìm mô hình học tập phù hợp. Bởi nếu bỏ ra vài chục triệu, nhưng khi áp dụng thành công có thể thu lãi tới cả tỷ đồng”.

Anh Đặng Đình Tiên thì cho biết, sau khi tham gia các lớp học ở nước ngoài trở về, trang trại Tiên Viên cũng là nơi tham gia đào tạo cho nhiều nông dân khác muốn phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín hiện đại nhưng chưa có điều kiện đi nước ngoài học tập. Với cách dạy nghề trực tiếp tại trang trại, nông dân học lý thuyết và thực hành tại chỗ, đã thu hút đông đảo nông dân cùng chí hướng tham gia mà không cần bất kỳ biện pháp tuyên truyền, vận động học nghề nào…

SƠN TÙNG

Tin cùng chuyên mục