Chăm lo mưu sinh hằng ngày
Bà Đỗ Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) huyện Vân Canh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 30 nạn nhân (16 nạn nhân là người DTTS) đều có hoàn cảnh sống khó khăn vì bị tật nguyền và mắc các bệnh nặng. Nhiều người lập gia đình sinh con bị dị tật bởi chất độc da cam. Trước thực trạng đó, 5 năm qua, Hội NNCĐDC huyện Vân Canh luôn nỗ lực làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, giải quyết các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân kịp thời, hiệu quả.
Để có kinh phí hỗ trợ nạn nhân, Hội và các cấp Hội trực thuộc thường xuyên vận động nhiều nguồn lực xây dựng quỹ Hội. Kết quả, trong 5 năm qua, đã vận động được 563 triệu đồng, tổ chức tặng 513 suất quà, trị giá gần 180 triệu đồng cho các nạn nhân nhân dịp lễ, tết và hỗ trợ họ lúc xảy ra thiên tai.
Hội còn trợ cấp khó khăn thường xuyên cho 26 người (100 nghìn đồng/người/tháng), giới thiệu để Trung ương Hội thăm và tặng quà cho nạn nhân Đinh Thị Vác (làng Kà Te, xã Canh Thuận) trị giá 5,5 triệu đồng; Hội Từ thiện của phụ nữ TP. Quy Nhơn thăm, tặng quà cho nạn nhân Đinh Ka Nu 9 triệu đồng; nhiều nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện về khám, cấp thuốc cho nạn nhân và người hoạt động kháng chiến ở xã Canh Liên và làng Canh Giao (xã Canh Hiệp)...
Đều đặn hằng năm, Hội tổ chức đưa nạn nhân đi xông hơi và giải độc tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ giải ngân cho nạn nhân vay chăn nuôi không lãi suất của Hội NNCĐDC tỉnh và huyện Vân Canh đã giải quyết cho 3 nạn nhân vay vốn giải quyết việc làm, mỗi người 3 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Kết quả, đã giúp nạn nhân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Xây thêm mái ấm
Chúng tôi đến thăm nạn nhân Đinh Ka Nu ở khu phố Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh) vào một ngày trời mưa to nhưng chỉ có mỗi Đinh Ka Nu nằm trên sàn nhà. Nghe có tiếng động, chị nhìn chúng tôi rồi nở nụ cười rạng rỡ nhưng không giấu được nỗi đau do bệnh tật dày vò.
Bà Phượng kể, cha mẹ Ka Nu là người dân tộc Ba Na, tham gia kháng chiến và đều bị nhiễm chất độc da cam, đã mất nhiều năm nay. Ka Nu ở với vợ chồng người em trai nhưng người em trai cũng mất vì căn bệnh ung thư. Vì cuộc sống mưu sinh, người em dâu của Ka Nu phải tảo tần làm thuê nuôi 2 con còn nhỏ nên thường xuyên vắng nhà. Vậy là Ka Nu phải ở nhà một mình, mỗi khi thấy có người đến là Nu mừng, miệng ú ớ, đầu lắc lư như muốn nói chuyện.
Cũng theo bà Phượng, Đinh Ka Nu là một trong những trường hợp nhiễm chất độc da cam nặng nhất huyện, hơn 40 năm nằm một chỗ, tứ chi teo dần lại, không cử động được.
Bà Phượng cho biết: Bên cạnh việc chăm lo mưu sinh hằng ngày của nạn nhân chất dộc da cam, Hội NNCĐDC huyện Vân Canh cũng rất tích cực vận động tài trợ để xây nhà cho nhiều trường hợp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 11 ngôi nhà của nạn nhân được hỗ trợ xây lại. Từ năm 2015 đến nay, đã có 6 nạn nhân được hỗ trợ xây lại nhà (từ 30 - 40 triệu đồng/căn) từ nguồn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội NNCĐDC tỉnh và nhà hảo tâm.