Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo sinh sống ở địa bàn khó khăn họ cũng thuộc diện được thụ hưởng, nhưng dù muốn cũng rất khó tiếp cận. Vậy cách nào để giúp nạn nhân chất độc da cam/Dioxin người DTTS sinh sống ở vùng khó vượt lên?
Bài 1: Những phận đời không may
Trong hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên cả nước hiện nay vẫn chưa có số liệu phân tách có bao nhiêu nạn nhân là người DTTS đang sinh sống ở địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, điểm chung của họ là những phận đời rất nghiệt ngã.
Không chỉ có nỗi đau bệnh tật
Gian nhà nhỏ vừa được sửa chữa lại của gia đình chị Phùng Thị Nông, dân tộc Dao, nhìn có vẻ khang trang hơn so với 30 nóc nhà khác ở bản thôn Lung Giang, xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang). Nhưng trong bóng chiều chập choạng, nó vẫn thấp lè tè, buồn thảm như chính cuộc đời của chủ nhân nó.
Sinh năm 1982 nhưng trông chị Nông quá già so với tuổi. Phần vì cuộc sống kham khổ nơi núi rừng heo hút, phần vì di chứng chất độc da cam giày vò sức khỏe. Ở Lung Giang, chị Nông khác hẳn mọi người về ngoại hình do căn bệnh bạch tạng-hậu quả của một dạng đột biến gen lặn (da trắng, mắt trắng, tóc vàng).
Không ngồi gần khách, cũng rất ít nói, chị đứt quãng chia sẻ cuộc sống của mình. Chị bảo, đã 37 tuổi rồi nhưng chị chỉ quen với cây cỏ, núi rừng. Sức khỏe yếu, hơn nữa ngoại hình không bình thường nên chị ngại tiếp xúc; trung tâm xã Năng Khả chỉ cách nhà hơn 10 cây số, chị cũng chưa một lần đặt chân đến.
“Bố mình tham gia chiến trường miền Nam, bị nhiễm chất độc da cam. Xuất ngũ, ông bị suy giảm 81% sức khỏe. Ông lập gia đình, có được 6 người con; 3 trong 6 người bị di chứng, trong đó có mình”, chị Nông tâm sự.
Vì mắc căn bệnh quái ác, từ lúc sinh ra đến nay, chị Nông rất ít khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (người bị bệnh bạch tạng, do thiếu hụt melanin nên da rất dễ bị bỏng khi tiếp xúc với nhiệt-Pv). Cộng với sự rối loạn về thị giác nên hầu như chị Nông chỉ quanh quẩn trong xó bếp, góc nhà.
Cũng may, mỗi tháng chị được trợ cấp 810 nghìn đồng từ chính sách hỗ trợ đối với con đẻ của nạn nhân chất độc da cam. Số tiền ấy là tất cả thu nhập của cả gia đình chị Nông. Chồng cũng yếu không làm được nhiều; có hai đứa con thì một đứa sinh ra cũng bị di chứng chất độc da cam từ ông ngoại.
Cả bốn nhân khẩu ốm yếu chen chúc nhau trong căn nhà chật hẹp, ngả nghiêng. Năm 2017, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện, chị Nông được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà.
“Sửa được cái nhà thì cuộc sống khó khăn hơn. Trước năm 2017, gia đình thuộc hộ nghèo nên được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, nhưng nay nhà được sửa, họ nói hết nghèo nên cắt rồi”, chị Nông chia sẻ.
Trao đổi với ông Vi Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Na Hang, ông xác nhận, gia đình chị Nông vừa được công nhận thoát nghèo cuối năm 2017. Nhưng ông trăn trở, thực tế gia đình chị Nông rất khó khăn, lại bệnh tật.
“Cháu ấy thì đã có chế độ hỗ trợ, nhưng đứa con thì không có. Mọi chi phí sinh hoạt đến thuốc men chạy chữa chỉ trông vào khoản hỗ trợ của Nhà nước cho người mẹ”, ông Phúc cho biết.
Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Cũng như gia đình chị Phùng Văn Nông ở huyện Na Hang, hàng trăm hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, rộng ra là hàng chục nghìn nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên cả nước, đang chịu những nỗi đau không chỉ về thể xác mà còn là những tổn thương về mặt tinh thần. Đáng chú ý, không ít gia đình có nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo, là người DTTS đang sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK.
Như tại Tuyên Quang, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh hiện có 2.748 hội viên thuộc 53 hội cấp xã và 20 chi hội cấp xã. Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vì hiện chưa thống kê số nạn nhân chất độc da cam thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư; rất nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh hiện có 151 gia đình Người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo; trong đó có 67 hộ có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (khoảng 50 hộ là người DTTS). Hầu hết các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đều bị suy giảm từ 21% đến trên 81% sức lao động, lại mang trên mình những bệnh tật nặng hoặc dị dạng, dị tật, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước.
“Nhưng có những gia đình nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, cuộc sống nghèo khó quá, lại không có sức khỏe nên dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây nhà, dạy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất dành cho hộ nghèo cũng khó tiếp cận được”, ông Sâm cho hay.
Ông Sâm dẫn chứng trường hợp gia đình ông Vi Hồng Cao, dân tộc Dao, sinh năm 1950 ở xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn. Gia đình ông Cao giờ chỉ còn hai vợ chồng già nương tựa vào nhau. Vừa rồi, thực hiện chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho Người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và huy động nguồn lực khác, địa phương đã hỗ trợ ông Cao 20 triệu đồng xây nhà mới.
Nhưng già cả, neo đơn, lại là hộ nghèo nên ông Cao không thể “xoay” đâu ra thêm một ít tiền nữa để xây mới nhà theo đúng quy định. Bởi theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg thì các hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng). Chỉ với số tiền 20 triệu đồng thì ông không thể làm được nên đành phải “quay lưng” lại với sự hỗ trợ này.
Những trường hợp nêu trên đã cho thấy một thực tế, với mỗi gia đình có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, ngoài việc chống chọi với bệnh tật thì họ còn mang trong mình nỗi đau tinh thần dai dẳng. Với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin là hộ nghèo, người DTTS sinh sống ở địa bàn khó khăn, thì nỗi đau này lại càng chồng chất. Cuộc sống trước mắt của mỗi nạn nhân là một hành trình đầy khổ ải; nhưng dai dẳng hơn là nỗi đau lại nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
SỸ HÀO