Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025

PV - 16:57, 25/06/2021

Tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển cần xây dựng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Qua đó, bảo đảm phản ánh khách quan thực trạng nghèo trên địa bàn.

Mô hình nuôi bò 3B của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Ảnh: Thế Bình).
Mô hình nuôi bò 3B của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Ảnh: Thế Bình).

Xây dựng tiêu chí theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về việc ban hành tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Cơ quan này cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình). Do vậy, để xác định đối tượng thụ hưởng, địa bàn đầu tư của Chương trình trong bối cảnh mới, việc xây dựng tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 rất cần thiết và cấp bách, bởi các lý do chính sau.

Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm việc công khai, minh bạch và thống nhất về hệ thống tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, huyện thoát nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Đồng thời, là căn cứ để xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư công nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân phù hợp với mục tiêu, nội dung của Chương trình.

Việc ban hành hệ thống tiêu chí mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế về nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được Quốc hội phê duyệt theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Các căn cứ pháp lý chính để xây dựng tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, huyện thoát nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 đã hết hiệu lực thi hành.

Một số tiêu chí về huyện nghèo hiện nay chưa phản ánh thực trạng khách quan nghèo tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và xã đặc biệt khó khăn đã trở nên lạc hậu, bất cập. Tiêu chí về xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa gắn với mục tiêu thoát khỏi tình trạng khó khăn, phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1 năm 2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ, tương ứng với khoảng 17,447 triệu người.

Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83% (bao gồm 2% hộ nghèo không có khả năng lao động), tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%.

Do đó, tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển cần phải xây dựng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 nhằm bảo đảm phản ánh khách quan thực trạng nghèo trên địa bàn.

Công khai, minh bạch về hệ thống tiêu chí

Dự thảo Quyết định về tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 gồm chín điều với các nội dung chi tiết, với hai đối tượng áp dụng.

Trước hết là các huyện có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao so với bình quân chung của cả nước, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc khu vực miền núi phía bắc, duyên hải miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó là các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao so với bình quân chung của cả nước, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có vị trí ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có đường ranh giới tiếp giáp bờ biển hoặc xã cồn bãi, cù lao, đầm phá, bán đảo trong đất liền thuộc huyện có đường ranh giới tiếp giáp với bờ biển.

Hệ thống tiêu chí huyện nghèo gồm các tiêu chí về: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; Về trình độ phát triển đơn vị hành chính cấp xã; Về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện; Về huyện khu vực miền núi, vùng cao, biên giới; Tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân cư của huyện.

Nguyên tắc đánh giá huyện nghèo bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất về hệ thống tiêu chí đánh giá xác định huyện nghèo và huyện thoát nghèo.

Việc xác định bổ sung huyện nghèo theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở đánh giá số lượng huyện thoát nghèo để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; tiếp tục duy trì kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Trường hợp ngân sách trung ương bố trí tăng thêm cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ngoài tổng vốn đã được Quốc hội phê duyệt trong chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, sẽ xem xét bổ sung huyện nghèo theo thứ tự ưu tiên.

Dự thảo cũng đề xuất tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Thứ nhất, có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 15% trở lên hoặc hộ nghèo từ 10% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025. Đối với các xã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn liên tục trong thời gian từ ba tháng/năm trở lên, có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 12% trở lên hoặc có tỷ lệ hộ nghèo từ 8% trở lên.

Thứ hai, thiếu từ hai công trình cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh trở lên, gồm: Xã chưa đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo quy định; Cơ sở vật chất trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn quốc gia; Chưa có phòng học kiên cố cho nhà trẻ, lớp mẫu giáo; Chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; Dưới 30% số hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh: nước máy, nước giếng khoan, nước giếng đào có thành bảo vệ, nước khe mó được bảo vệ, nước mưa chứa trong bể chứa được bảo vệ); Dưới 30% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định; Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện dưới 40% (riêng đồng bằng sông Cửu Long dưới 30%); Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa dưới 50% (riêng đồng bằng sông Cửu Long dưới 40%).

Thứ ba, xã đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở xuống.

Quy trình, thủ tục, thời gian xác định huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cũng được nêu cụ thể trong dự thảo này.

Giai đoạn 2016-2020, có 292 xã thuộc 23 tỉnh là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.

Giai đoạn 2018-2020, có 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, 29 huyện thuộc 18 tỉnh được bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020 để thực hiện các chính sách đặc thù quy định tại Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 3, Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với định mức hỗ trợ bằng 70% so với các huyện nghèo thuộc nhóm trên.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.