Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Xây dựng mô hình điểm để thúc đẩy thực hành đúng về dinh dưỡng

Trang Diệp - 10:12, 10/10/2022

Vùng đồng bào DTTS và miền núi với hàng nghìn thôn, bản có tỷ lệ người dân suy dinh dưỡng thấp còi khá cao. Để cải thiện tình hình này, từ hiệu quả mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm nhân rộng, từ đó thúc đẩy thực hành đúng về dinh dưỡng cho người dân.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em DTTS rất ít người còn rất cao.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em DTTS rất ít người còn rất cao.

Nhận diện “vùng lõm” về bảo đảm dinh dưỡng

Sa Lý là xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Toàn xã có 714 hộ, 3.136 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Sán Chỉ và dân tộc Tày, thì hơn một nửa trong số đó là hộ nghèo, hộ cận nghèo; đa số dân cư của xã là đồng dân tộc Sán Chí, dân tộc Tày.

Ở Sa Lý, nguồn thu nhập chính của bà con là từ rừng, làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Người dân nơi đây hiền lành, chất phác song vẫn còn ngại áp dụng cách làm mới. Mặc dù ở Lục Ngạn, có cây vải thiều đã được cấp chỉ dẫn địa lý, các xã khác chỉ qua vài vụ vải, người dân đã thu tiền tỷ thì ở Sa Lý, người trồng vải chỉ mong thu được mấy chục triệu đồng.

Đời sống khó khăn nên tỷ lệ các bà mẹ có chỉ số cơ thể thuộc diện gầy, thấp còi ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn cao. (Ảnh minh họa)
Đời sống khó khăn, là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ các bà mẹ có chỉ số cơ thể thuộc diện gầy, thấp còi ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn cao. (Ảnh minh họa)

Một khảo sát của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang cho thấy, toàn xã có tổng diện tích đất nông nghiệp là 3.399,37 ha. Tuy nhiên, người dân địa phương chưa phát huy hết được các lợi thế này để tổ chức sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm sử dụng tại chỗ, đặc biệt là tại các hộ nghèo và cận nghèo, không tạo ra nguồn thu nhập cho các hộ gia đình. Đến cuối năm 2021, thu nhập của các hộ tại xã Sa Lý khoảng 7.797.500 đồng/năm, bình quân đạt 650 nghìn đồng/người/tháng.

Kết quả khảo sát của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang cũng cho thấy, do thiếu lương thực, thực phẩm sử dụng tại chỗ, trong khi nguồn thu nhập thấp, dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày của người dân ở Sa Lý. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của người dân, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ mang thai. Theo đó, ở xã Sa Lý, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) là 12,5%, tỷ lệ các bà mẹ có chỉ số cơ thể thuộc diện gầy, thấp còi là 48,5%.

Mô hình nuôi gà kết hợp trồng rau không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho hộ gia đình mà còn tạo ra nguồn sản phẩm chăn nuôi sạch phục vụ được nhu cầu cho người dân tại chỗ cũng như cho thị trường. (Ảnh minh họa)
Mô hình nuôi gà kết hợp trồng rau không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho hộ gia đình, mà còn tạo ra nguồn sản phẩm chăn nuôi sạch, phục vụ nhu cầu cho người dân tại chỗ và cho thị trường. (Ảnh minh họa)

Không riêng xã Sa Lý, mà ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, mặc dù đã có cải thiện đáng kể nhưng đây vẫn là địa bàn có tỷ lệ trẻ em SDD cao nhất cả nước. Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các DTTS tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019 khẳng định, trong 3 trẻ DTTS có 1 em thấp còi, tỷ lệ 33,3%.

Kế đó, kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 - 2020, công bố năm 2021 tiếp tục cho thấy vấn đề SDD vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ trẻ em SDD cao nhất. Trong đó, miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4% trẻ em SDD. Một số nhóm DTTS rất ít người có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD ở mức cao, như: dân tộc Chứt 40%, Si La 21,7%; Bố Y 35%; La Ha 20%; Brâu, Rơ Măm 29,87%; Lô Lô 16,91%; Ơ Đu 12%...

“Cõng” mô hình về vùng khó

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, từ thực trạng trên, việc triển khai các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho người dân ở các địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là rất cấp thiết. Đầu tiên là tiến hành thí điểm mô hình sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp bản địa đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng tại chỗ cho người dân địa phương.

2 xã thí điểm mô hình nuôi gà lông màu kết hợp với trồng rau xanh giúp cải thiện dinh dưỡng hiện có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn.
Xã Sa Lý (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và xã Đào Viên (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), là 2 xã thí điểm mô hình nuôi gà lông màu kết hợp với trồng rau xanh, giúp cải thiện dinh dưỡng trong điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn.

“Qua khảo sát, Trường đã đề xuất thí điểm mô hình nuôi gà lông màu kết hợp với trồng rau xanh giúp cải thiện dinh dưỡng cho các hộ gia đình tại xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù những khó khăn về kinh tế và chế độ dinh dưỡng là rất rõ rệt nhưng tại các địa phương này có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng như diện tích đất cho sản xuất lớn, điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, nguồn lao động dồi dào”, PGS.TS Nguyễn Quang Hà cho biết.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang khẳng định, việc triển khai các mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng tại các địa phương này là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn lớn trong việc tạo sinh kế, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho các hộ gia đình dựa trên các sản phẩm bản địa, có thể sử dụng tại chỗ, góp phần thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Chương trình quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025. Bên cạnh việc cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thì một trong những mục tiêu quan trọng mà nhiệm vụ cần thực hiện là hướng dẫn cho người dân cách bảo quản, chế biến các sản phẩm từ các loài cây trồng, vật nuôi trong mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm.

Một hộ nghèo ở xã Đào Viên, huyện Tràng Định, Lạng Sơn được bà con giúp đỡ sửa chữa nhà
Một hộ nghèo ở xã Đào Viên, huyện Tràng Định, Lạng Sơn được bà con giúp đỡ sửa chữa nhà

Theo đánh giá của Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mô hình nuôi gà lông màu kết hợp với trồng rau xanh, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn hằng ngày, có thể có thêm nguồn thu nhập từ việc bán gà thịt, trứng và gà sinh sản (gà con sau ấp nở). 

Sau 3 đến 4 tháng chăn nuôi, trọng lượng gà bình quân đạt 2,2 - 2,5kg/con, với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg, thì doanh thu mỗi hộ từ nuôi gà (khi bán 50%, để lại 50% cải thiện dinh dưỡng) đạt khoảng 17.250.000 đồng. Đây là nguồn thu để các hộ gia đình cải thiện bữa ăn từ các nguồn dinh dưỡng khác nhau, đồng thời tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định đời sống. Ngoài ra, mô hình còn tạo nguồn phân hữu cơ để cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng.

Từ thực tế cho thấy, chăn nuôi gà là hoạt động dễ thực hiện nếu có hướng dẫn kỹ thuật bài bản, chi phí đầu tư không cao, không đòi hỏi kỹ thuật, trang thiết bị chăn nuôi cao, phù hợp với trình độ và điều kiện sản xuất của người dân địa phương nên có tính khả thi rất lớn trong việc nhân rộng mô hình cho các hộ gia đình và địa phương lân cận. 

"Dự án không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho hộ gia đình mà còn tạo ra nguồn sản phẩm chăn nuôi sạch phục vụ được nhu cầu cho người dân tại chỗ cũng như cho thị trường. Vì vậy mô hình có khả năng nhân rộng cao”, đại diện Cục Kinh tế Hợp tác nhận định.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.